Điều Nhật và Nga cùng hy vọng trong "năm lịch sử"

ANTD.VN - Nga và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc đàm phán mang ý nghĩa quyết định tới việc giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ, mở đường cho việc ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (đầu tiên bên trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (đầu tiên bên phải) khi bắt đầu vòng 1 đàm phán về hiệp ước hữu nghị song phương

Nhật Bản đã rất kỳ vọng về những bước đi tích cực ngay từ vòng 1 cuộc đàm phán về Hiệp ước hòa bình Nhật Bản-Nga bắt đầu từ ngày 14-1 tại Thủ đô Matxcơva. Sự mong đợi này lớn tới mức Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khi bắt đầu đàm phán đã không ngần ngại tuyên bố, phía Nhật Bản mong muốn 2019 sẽ là một “năm lịch sử” đánh dấu bước tiến trong tiến trình đàm phán về Hiệp ước hòa bình với Nga, bất chấp sự chia rẽ sâu sắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm qua giữa hai nước.

Đúng là phải trải qua vô vàn khó khăn, trở ngại, hai bên Nhật Bản và Nga mới có thể lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia. Bởi về nguyên tắc, quan hệ Nhật Bản và Nga hiện nay vẫn chưa được sự “bảo trợ” của một hiệp ước hòa bình kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trở ngại lớn nhất mà hai phía Nga và Nhật Bản không thể vượt qua suốt hơn 7 thập kỷ qua là cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với những hòn đảo ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Những hòn đảo này, theo cách gọi của phía Nga là quần đảo Nam Kuril, phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Quần đảo đang tranh chấp này gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan; còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.

Tranh chấp lãnh thổ ngăn cản Nga và Nhật Bản ký Hiệp định hòa bình, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương trong gần 75 năm qua. Thời gian gần đây, hai nước đều có những động thái rõ ràng thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp.

Liên tiếp trong các cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11-2018 tại Singapore và Hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 12-2018 tại Argentina, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Hiệp ước hòa bình vốn kéo dài hơn 70 năm qua giữa Nga và Nhật Bản nhưng còn gặp nhiều khó khăn do tranh chấp lãnh thổ đối với 4 hòn đảo. Hai bên đạt thỏa thuận được đánh giá cao là thành lập một cơ cấu đàm phán mới đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Ngoại trưởng hai nước. 

Hiện, cả Nga và Nhật Bản chưa cho biết lập trường cụ thể  hay nói ngắn gọn là “cái giá” mà mỗi bên đưa ra trong vòng đàm phán đầu tiên bắt đầu ngày 14-1. Tuy nhiên, trong cuộc gặp tại Singapore vào tháng 11-2018, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản năm 1956, tài liệu duy nhất được cả hai nước công nhận cho tới nay.

Tuyên bố này quy định rằng Nhật Bản sẽ giành lại quyền kiểm soát các đảo Habomai và Shikotan sau khi ký kết hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, do Nga và Nhật Bản đã không ký hiệp ước hòa bình sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, nên không thể thống nhất về tình trạng lãnh thổ của 4 hòn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. 

Cho tới nay, cả Nga và Nhật Bản đều tỏ ra kiên quyết với lập trường không nhân nhượng trong vấn đề lãnh thổ. Trong khi đó, nếu không đạt được thỏa thuận về cuộc tranh chấp 4 hòn đảo sẽ chắc chắn không có một hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Mong muốn “năm lịch sử” là vậy nhưng xem ra rất mong manh nếu nhìn lại hơn 70 năm qua cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga.