- Cảnh sát 141 hóa trang tuần tra, ngăn chặn đua xe gây rối, thu giữ nhiều bình khí cười
- Tráo biên lai nộp thuế trước bạ xe máy sang ô tô để đăng ký, nhằm chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
- Áp dụng số hóa với xe khách liên tỉnh để giảm xe “dù”, bến “cóc”
Theo đó, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số xe cho Công an các đơn vị địa phương. Phối hợp Công an cấp cơ sở, các lực lượng nghiệp vụ xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán biển số xe trái phép trên địa bàn.
Sử dụng hay làm biển số giả đều có chế tài tương thích |
Thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; đăng ký xe; điều tra giải quyết tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống giám sát TTATGT, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn quản lý,... để phát hiện các trường hợp phương tiện ô tô gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; các trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng...
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm trên, CSGT chủ động điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV ANTĐ, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn cho biết, thời điểm hiện tại, xung quanh câu chuyện biển số xe, chúng ta đã có hệ thống chế tài tương đối đầy đủ.
Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thông tư 58/2020/TT-BCA chỉ rõ, chỉ các cơ quan sau mới được cấp biển số xe: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện.
Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Mức phạt đối với lái xe ôtô là 4-6 triệu đồng; chủ nhân chiếc xe ôtô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8-12 triệu đồng.
Đối với phương tiện là xe máy, thì lái xe bị phạt 300.000-400.000 đồng; chủ nhân chiếc xe máy là cá nhân thì bị phạt 800.000-2.000.000 đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 1,6- 4 triệu đồng.
Còn nếu là máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng thì lái xe bị phạt 1-2 triệu đồng; nếu phương tiện trên là của cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn là tổ chức thì phạt từ 8-12 triệu đồng.
Chế tài mạnh hơn, là quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định việc làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, đối tượng làm, sử dụng biển giả có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.