Điều khiển máy bay lên thẳng bằng... ý nghĩ

ANTĐ - Các nhà khoa học Liên bang Nga vừa cho ra mắt một chiếc máy bay lên thẳng điều khiển từ xa bằng ý nghĩ. Dự báo, công nghệ này không chỉ được sử dụng trong mục đích quân sự mà có thể mở rộng hướng phát triển sang các loại hình phương tiện giao thông dành cho người khuyết tật.
Điều khiển máy bay lên thẳng bằng... ý nghĩ ảnh 1

Mũ đọc ý nghĩ

Dự án nghiên cứu máy bay lên thẳng 4 cánh có thể điều khiển bằng ý nghĩ đã được các nhà khoa học Nga triển khai trong vài năm qua dưới sự chủ trì của Công ty Neurobotics ở Zelenograd (Nga) và nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Liên bang Nga (DRF), một đơn vị chuyên hỗ trợ các chương trình nghiên cứu có liên quan tới mục đích quốc phòng của Nga. 

Cụ thể, để điều khiển chiếc máy bay lên thẳng 4 cánh này bằng ý nghĩ, người dùng chỉ cần đội một chiếc mũ có tích hợp những cảm biến giúp hệ thống kết hợp với hệ thần kinh trung ương của người đội. Sau khi khởi động, các tín hiệu thần kinh truyền tới bộ điều khiển của chiếc máy bay sẽ giúp nó hoạt động theo mong muốn của người điều khiển. “Khi người điều khiển nghĩ về hành động nào đó tại một thời điểm, hệ thống sẽ nhận biết và xác định lệnh”, ông Konishev giải thích.

Công nghệ mới cũng cho phép người sử dụng điều khiển máy bay thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Nó có thể lên, xuống, sang trái, phải hay hạ cánh bất cứ xuống địa điểm nào mà người điều khiển mong muốn. “Người điều khiển có thể làm việc khác trong cùng thời điểm điều khiển chiếc máy bay”, ông Vladimir Konishev, Tổng Giám đốc của Neurobotics cho biết.

Hướng tới người khuyết tật

Các nhà khoa học phát triển công nghệ này cho biết, điều khó khăn trước mắt là cần thời gian lên tới vài tháng để chế tạo ra những chiếc mũ điều khiển máy bay. Tuy nhiên, họ khẳng định, trong tương lai gần, thời gian này sẽ được rút ngắn. Hiện nay, các nhà khoa học đang lập kế hoạch phát triển và sử dụng công nghệ này cho các loại vũ khí hoặc thiết bị hoạt động trên chiến trường. Ví dụ, chiếc máy bay này có thể theo sát một người lính đang chiến đấu để cung cấp hình ảnh theo thời gian thực cũng như mọi diễn biến khác tại trận địa.

Các nhà khoa học Nga cho biết, ý tưởng phát triển máy bay lên thẳng điều khiển bằng ý nghĩ của họ không phải là tiên phong và duy nhất trên thế giới. Thời gian qua, các nhà khoa học Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc… cũng đã phát triển công nghệ điều khiển thiết bị bằng ý nghĩ thông qua một chiếc mũ gắn trên đầu. Mùa hè năm 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo thiết kế và phát triển thành công máy bay không người lái áp dụng công nghệ này.

Đầu tháng 12-2015 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một nhóm sinh viên của Đại học Nankai (Thiên Tân, Trung Quốc) đã thử nghiệm thành công máy đọc tín hiệu điện não đồ để điều khiển ô tô. Theo đó, nhóm sinh viên này đã thực nghiệm điều khiển chiếc Haval H9 với các thao tác tiến, lùi và dừng, đỗ. Ngoài ra, việc sử dụng các chức năng khác của chiếc xe như mở/khóa cũng được họ thực hiện bằng ý nghĩ. Các nhà khoa học trẻ Trung Quốc giải thích, lái xe không cần sử dụng vô lăng, chân ga mà chỉ cần thông qua 16 bộ cảm biến gắn trên đầu để truyền tín hiệu từ não bộ tới hệ thống điều khiển của xe. 

Hãng ô tô Great Wall Motor, đơn vị tài trợ cho nhóm sinh viên Đại học Nankai thực hiện nghiên cứu cho biết, trong tương lai, những chiếc xe được điều khiển bằng ý nghĩ này sẽ được sản xuất thương mại để phục vụ người khuyết tật không thể điều khiển được các loại phương tiện giao thông hoặc có thể đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của những phương tiện phục vụ người khuyết tật hiện nay.