"Điều hành ngân sách kiểu giật gấu vá vai"

ANTĐ - Ngày 3-11, thảo luận về thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán, phương án phân bổ năm 2016, đa số ĐBQH bày tỏ lo lắng trước tình trạng nợ công gia tăng, ở mức đáng báo động. Nhiều đại biểu đề nghị, năm 2016, ngân sách phải dành nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức trên nguyên tắc không được tăng tổng chi thường xuyên.  

"Điều hành ngân sách kiểu giật gấu vá vai" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận về ngân sách 

Chưa phú quý, đừng sinh lễ nghĩa

Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách Trung ương năm 2015 bị hụt thu hơn 31.000 tỷ đồng khiến cho việc cân đối ngân sách hết sức khó khăn. Chia sẻ điều này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng, ngành tài chính đang phải điều hành ngân sách theo kiểu… giật gấu vá vai vì thu ít mà chi lại lớn, không biết “cho ai, cắt ai”.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu Trần Du Lịch: “Muốn tăng lương thì phải giảm người xuống. Chúng ta chưa “phú quý” thì không được “sinh lễ nghĩa” vì quá lãng phí. Còn các khoản chi để xây trụ sở, sắm phương tiện không phải là đầu tư cơ bản mà là chi tiêu dùng nên không được vung tay”. 

Để xử lý hụt thu ngân sách Nhà nước, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, nên tích cực giải quyết vấn đề nợ đọng thuế bởi số thuế nợ đọng của nước ta đến nay là 76.000 tỷ đồng, trừ số bất khả kháng và do khách quan vẫn còn trên 30.000 tỷ đồng và nếu thu được khoản này thì tăng thu ngân sách rất đáng kể.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng lo lắng bởi nợ công có xu hướng liên tục tăng khoảng 20% mỗi năm, sức ép trả nợ ngày càng lớn. “Từ năm 2012, chúng ta đã phải vay để đảo nợ. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc sử dụng ngân sách Nhà nước để trả nợ công dưới 25% tổng thu ngân sách mới an toàn nhưng hiện chúng ta phải dành 31,9% để trả nợ” - đại biểu Đỗ Mạnh Hùng dẫn chứng.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Văn (Cà Mau) phân tích: “Việc tăng chi đầu tư với chủ yếu là vốn vay đã trở thành gánh nặng của ngân sách Nhà nước”. đại biểu Trần Văn đề nghị xem xét tạm “đóng băng” mức bội chi ngân sách Nhà nước trong 3 năm kế tiếp để giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp khác như giảm mạnh biên chế; dừng xây dựng các công trình, dự án chưa thật cần thiết. “Đã đến lúc chúng ta phải tự giác thắt lưng buộc bụng” - đại biểu Trần Văn nói.

Nhiều ĐBQH cũng tán thành đề xuất của Chính phủ về chủ trương phát hành trái phiếu ra quốc tế nhằm huy động khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ chủ trương này vì lo ngại việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ làm tăng nợ công, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Đề nghị tăng lương cơ sở 5%

Cũng tại phiên thảo luận, vấn đề tăng hay không tăng lương cơ sở năm 2016 được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) đặt vấn đề: “Bộ luật Lao động nói rất rõ, lương tối thiểu phải đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động. Vì thế, việc điều chỉnh lương cơ sở cho khối lao động hưởng lương ngân sách không có lý do gì để hoãn mãi. “Nếu đời sống công chức quá khó khăn, họ sẽ gây khó khăn, hành dân, sẽ lại có chuyện doanh nghiệp bôi trơn cho bộ máy hành chính Nhà nước.

Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH là phải cố gắng giảm tối đa các khoản chi sự nghiệp và giảm đội ngũ công chức, giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để làm sao năm 2016 có nguồn tăng lương cho công chức. Nếu đầu năm không tăng được thì giữa năm phải tăng và cố gắng tăng không dưới 5%” - ĐB Đặng Ngọc Tùng đề nghị.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát tình hình thu chi ngân sách để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ XI, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2016 về việc có tăng lương công chức hay không, còn trước mắt không thể đi vay để lấy tiền tăng lương.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 3-11, liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Phải đấu tranh với chất cấm như chống ma túy. Sử dụng chất cấm là tội ác”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có thể vì thương lái ép, người dân phải cho chất tạo nạc vào. "Quản lý thực phẩm từ trang trại cho đến bàn ăn còn gặp khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu. Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và phải làm quyết liệt. Các địa phương cần phối hợp với Bộ Y tế thực hiện hiệu quả việc này” - Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Cũng tại phiên thảo luận, giải trình về công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội) xây dựng sai phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Bộ Xây dựng đã cùng với UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý”. Kết luận việc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát và xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định và trình cơ quan chức năng phương án xử lý.

Từ những sai phạm của công trình số 8B Lê Trực, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng. “Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cam kết.

Hồng Tuấn