Điều gì xảy ra sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng với các nền kinh tế, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày đã mở ra cơ hội để Mỹ cùng các đối tác kinh tế tiến hành đàm phán nhằm tránh cuộc khủng hoảng, thậm chí là chiến tranh thương mại toàn cầu với những hệ lụy khôn lường với không chỉ kinh tế mà nhiều lĩnh vực khác trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với các đối tác không trả đũa thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với các đối tác không trả đũa thuế quan

Quyết định tích cực

Vào trưa 9-4 (giờ địa phương, rạng sáng 10-4 giờ Việt Nam), tức chỉ khoảng 12 tiếng sau khi thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi thông báo giảm thuế đối ứng xuống còn mức chung là 10% và hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với những nước “không trả đũa”. Trong thông báo hoãn thuế đối ứng đăng trên mạng xã hội Truth, Tổng thống Donald Trump cho biết, lý do hoãn áp thuế đối ứng là do hơn 75 quốc gia đã liên lạc với giới chức Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại, chứ không phải có các biện pháp trả đũa thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Donald Trump, việc hạ mức thuế cũng như hoãn thuế đối ứng không áp dụng với Trung Quốc, trái lại đối tác thương mại lớn bậc nhất này của Mỹ còn bị tăng thuế lên 125%. Ông chủ Nhà trắng thậm chí còn tuyên bố, nâng mức thuế quan với Trung Quốc lên 125% ngay lập tức bởi điều mà ông cho là “sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu”. Trung Quốc trong động thái đáp trả cứng rắn đã công bố mức thuế quan bổ sung 84% (tăng so với mức 34% đã công bố trước đó), có hiệu lực từ ngày 10-4 đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trước đó, chiều 2-4 theo giờ địa phương (tức sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu mức thuế 10%; Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ 20-26%... Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Ông Donald Trump cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng vào Mỹ từ ngày 9-4, tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này.

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với tất cả các đối tác kinh tế của Mỹ, từ các đối thủ cạnh tranh tới đồng minh thân cận, đã gây hoang mang lo lắng sâu sắc trên thế giới và ngay trong nước Mỹ. Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc áp thuế nhằm “đưa nước Mỹ giàu có trở lại”, song tất cả đều lo ngại về những tác động kinh tế nghiêm trọng, trong đó nổi bật là nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại do các biện pháp áp thuế trả đũa. Điều này có thể thấy qua phản ứng của các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada… khi cũng đã công bố mức thuế quan đáp trả.

Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng khi lĩnh vực này đóng góp tới 70% GD, thế nên việc nâng thuế nhập khẩu sẽ thể khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, kéo tụt sức mua của người dân. Theo giới phân tích, tăng thuế đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua hàng đắt đỏ hơn, song không chỉ dừng lại là vấn đề kinh tế. Giá hàng hóa tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Thuế nặng đánh vào các nhóm hàng như thực phẩm chế biến, dệt may, da giày - vốn là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu thiết yếu của người dân Mỹ, đặc biệt là những người thu nhập thấp và trung bình, từ đó có thể dẫn tới những hệ lụy về bất ổn xã hội.

Vì thế, không chỉ thị trường Chứng khoán thế giới rung lắc, tràn ngập sắc đỏ mà thị trường Mỹ cũng phản ứng hết sức tiêu cực với thuế đối ứng khi liên tiếp có những phiên giảm sâu, xóa sổ ước tính 6,6 nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần trước. Nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái nếu áp thuế đối ứng với các đối tác.

Tuy nhiên, thế giới lập tức có phản ứng tích cực khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán. Hầu hết các thị trường thế giới đã lập tức hứng khởi tăng kịch trần, trong đó thị trường chứng khoán Mỹ đã có những đợt tăng giá lớn nhất trong lịch sử sau quyết định của Tổng thống Donald Trump.

Đàm phán để đạt được các giải pháp thỏa đáng

Các đối tác kinh tế của Mỹ đã có những phản ứng, đánh giá tích cực trước quyết định được cho là phù hợp của Tổng thống Donald Trump ngày 9-4, đồng thời ngỏ ý sẵn sàng cùng Mỹ đàm phán thuế quan. Ngay khi Tổng thống Mỹ công bố quyết định hoãn áp thuế đối ứng với tất cả các đối tác thương mại trong 90 ngày để tạo cơ hội đàm phán, Thủ tướng Canada Mark Carney đã bày tỏ hoan nghênh quyết định này của nhà lãnh đạo Mỹ. Trong một bài viết trên mạng X, Thủ tướng Mark Carney cho rằng: "Việc Tổng thống Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng là động thái đáng hoan nghênh cho nền kinh tế toàn cầu".

Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz đánh giá, quyết định hoãn thuế của Tổng thống Donald Trump với hầu hết các quốc gia là minh chứng cho sự đoàn kết của châu Âu. Chính trị gia được liên minh cầm quyền đề cử làm Thủ tướng Đức này cho biết, ông dự định “sớm” gặp nhà lãnh đạo Mỹ ngay sau khi nhậm chức.

Đặc phái viên thương mại của Hàn Quốc Cheong In Kyo cho rằng, việc Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia và cùng lãnh thổ sẽ tạo không gian cho các cuộc đàm phán trong bối cảnh Seoul đang tìm cách giải quyết vấn đề thuế quan với Washington thông qua đối thoại. Ông Cheong In Kyo nhấn mạnh, đây là động thái "tích cực" của Mỹ. Bên trong nước Mỹ cũng đã có những phản ứng tích cực sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, cho rằng đây là “sự đảo ngược đáng kinh ngạc” từ Nhà Trắng sau nhiều ngày biến động dữ dội trên thị trường Phố Wall. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, thuế đối ứng đóng vai trò là "chất xúc tác" để kéo các nước đến bàn đàm phán.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh thông báo, nước này sẽ “bình tĩnh và điềm tĩnh” tiếp tục đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày. Người phát ngôn của Chính phủ Anh nhấn mạnh, chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Anh không muốn bị áp thuế và để đảm bảo lợi ích quốc gia, việc làm cũng như sinh kế của người dân, chính phủ nước này sẽ bình tĩnh và điềm tĩnh tiếp tục đàm phán với phía Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump hoãn áp thuế đối ứng được cho mở ra cơ hội và thời gian để các đối tác thương mại cùng Mỹ tiến hành đàm phán nhằm tránh cuộc khủng hoảng thuế quan, thậm chí là chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu với những hệ lụy khôn lường không chỉ về kinh tế. Trung Quốc dù đến nay vẫn tỏ ra quyết đoán trong việc đáp trả việc Mỹ áp thuế đối ứng, song vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10-4 cho biết, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán, nếu Mỹ muốn đàm phán, cánh cửa của Trung Quốc vẫn mở, “nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng”. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nếu “Mỹ thực sự muốn tham gia đối thoại, họ nên thể hiện thái độ bình đẳng, tôn trọng và có đi có lại”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 10-4 nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng quyết định của Mỹ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước sang Mỹ, trong đó có Việt Nam là bước đi tích cực". Theo Người phát ngôn, trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ cùng Mỹ tiến hành đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được các giải pháp thỏa đáng hướng đến thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.