Điều gì khiến siêu tăng Armata trở nên đáng sợ trong mắt phương Tây?

ANTĐ - Kể từ khi ra mắt, các phương tiện chiến đấu hạng nặng được chế tạo trên khung gầm Armata của Nga đã gây chấn động dư luận quốc tế và đã có những nước đánh tiếng muốn mua các loại xe chiến đấu hàng đầu thế giới này.

Hàng loạt quốc gia “kết” dòng xe Armata

Một quan chức quốc phòng Nga ngày 4-6 cho biết, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan tâm tới mô hình xe thiết giáp mới ra mắt tại lễ duyệt binh ngày 9 tháng 5, kỷ niệm lần thứ 70 Chiến thắng phát xít trong “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”.

Trước hết, cần nói là Armata không phải là một phương tiện tác chiến cụ thể mà là một khung gầm thông dụng, trên đó người ta có thể chế tạo ra các thiết bị tác chiến khác nhau như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata hay xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata…

"Hiện đã có sự quan tâm đến những trang bị mới và hiện đại của chúng tôi. Phần nhiều đó là các đối tác truyền thống của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Nam Á" - ông Vladimir Kozhin trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật cho biết.

Theo hãng thông tấn TASS, hiện tại khách hàng nước ngoài rất hài lòng với các phương tiện chiến đấu lục quân do Nga cung cấp theo các hợp đồng trước đó. Ví dụ như Ấn Độ đã mua sắm tới hàng ngàn xe tăng chiến đấu hạng nặng dòng T-90 của Nga.

Tuy nhiên, ông Kozhin cũng bổ sung là các thiết bị tham gia diễu binh chỉ có thể được bán cho quân đội các quốc gia khác trong tương lai, bởi trước mắt Nga sẽ tập trung ưu tiên trang bị cho lực lượng lục quân nước mình trước, sau đó mới tính đến các hợp đồng xuất khẩu.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga

Trong số các phương tiện chiến đấu trên khung gầm Armata, xe tăng chiến đấu hạng nặng T-14 Armata nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia quân sự thế giới bởi thiết kế hiện đại, hỏa lực mạnh mẽ, khả năng bảo vệ cao và các hệ thống thiết bị tác chiến tiên tiến hàng đầu thế giới.

Xe tăng T-14 Armata được trang bị một tháp pháo điều khiển từ xa, một pháo nòng trơn đường kính 125mm, 2A82-1M. Pháo 2A82-1M mới có độ chính xác cao hơn khoảng 15 đến 20% so với pháo 2A46 của xe tăng T-90.

Hiện nay, T-14 Armata được trang bị pháo 125mm nhưng trong tương lai nó sẽ được trang bị pháo cỡ nòng lớn nhất thế giới loại 152mm. Ngoài khả năng trang bị đạn hạt nhân làm nghèo, loại đạn thông thường của nó đã có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày 1m, khiến uy lực tấn công của T-14 Armata trở thành vô địch trên thế giới.

Ngoài ra, xe tăng có thể mang theo súng máy 30mm gắn trên tháp pháo, có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay tầm thấp như máy bay không người lái hay máy bay trực thăng, còn súng máy 12,7mm, tốc độ 3.000 m/giây được sử dụng để tấn công bộ binh và đánh chặn pháo cùng tên lửa chống tăng của địch.

Sức mạnh của Armata khiến Mỹ và châu Âu lo lắng

Trong một động thái mới đây nhất, cha đẻ của "Armata" là công ty "Uralvagonzavod" tuyên bố với tạp chí "Technowars” rằng, công ty này sẽ phát triển và nâng cấp T-14 Armata cho quân đội Nga trong suốt thế kỷ 21 và trong tương lai sẽ biến chúng thành xe tăng điều khiển từ xa.

"Armata" cho phép tự động hóa nhiều quá trình mà trước đây phải thực hiện thủ công, kể cả điều khiển từ xa chuyển động của máy. Các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ được tiến hành mà không có sự tham gia của con người, vì vậy "Uralvagonzavod" sẽ trang bị cho "Armata" khả năng của robot.

Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata của Nga

Theo Phó tổng giám đốc của công ty - ông Vyacheslav Khalitov, việc loại bỏ khoang nhân viên sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cách bố trí bên trong kết hợp với việc tự động hóa robot sẽ giúp giải phóng không gian, bổ sung thêm khối lượng đạn dược và nhiên liệu, giúp Armata có khả năng tác chiến cao hơn rất nhiều.

Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá tăng T-14 Armata vượt trội các loại xe tăng hàng đầu của Mỹ và châu Âu hiện nay như Leopard, Leclecr, Abram... Thậm chí các phương tiện truyền thông châu Âu còn đánh giá là xe tăng NATO đã tụt hậu so với Nga khoảng 2 thập niên.

Đứng trước sức mạnh thực sự kinh hoàng của T-14 Armata, các phương tiện truyền thông phương Tây gọi những khả năng của xe tăng T-14 "Armata" là từ trước đến nay “chưa từng có”, sự xuất hiện của dòng xe Armata đã mở ra một chương mới trong thế giới thiết bị bọc thép.

Vừa qua, tờ báo điện tử Đức “Die Welt” cho biết, lo lắng với sức mạnh vượt trội của T-14 so với dòng “Leopard-2" hiện đang có mặt trong trang bị của quân đội một số nước châu Âu, Bộ Quốc phòng Đức cùng với Chính phủ Pháp dự định hợp tác chế tạo mẫu xe tăng chiến đấu hiện đại để đối đầu với nó.

Tuy nhiên, báo chí Đức cho rằng, từ khi thai nghén ý tưởng cho đến khi ra đời 1 thế hệ xe tăng mới có thể mất đến 10-15 năm, bởi vậy đến giai đoạn năm 2030, xe tăng chiến đấu của châu Âu mới bắt kịp T-14 Armata của Nga.