Điêu đứng sau bão

ANTĐ - Dù cơn bão lịch sử Irene đã rời lãnh thổ Mỹ tràn sang Canada nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Cả bờ Đông nước Mỹ vẫn trong cảnh hỗn loạn. Đường phố, nhà cửa hư hại, hàng triệu người sống trong cảnh mất điện, môi trường ô nhiễm.

Cảnh tàn phá sau cơn bão

Sáu năm sau cơn bão Katrina tàn phá New Orleans, nước Mỹ mới lại phải chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như Irene. Cho đến nay, số người thiệt mạng do bão Irene gây ra đã lên tới con số 40. Hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài và nguồn cung cấp bị gián đoạn. Nói về tác hại của cơn bão, Tổng thống Mỹ B. Obama cho biết: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng điều này vẫn chưa kết thúc. Công tác phục hồi sẽ kéo dài trong nhiều tuần hoặc lâu hơn”.

Nhờ công tác phòng chống được tiến hành kịp thời, thiệt hại mà cơn bão Irene gây ra cho Mỹ chỉ khoảng từ 7-10 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dự báo. Tuy nhiên, mức tàn phá cũng đủ để bão Irene được đưa vào top 10 các thiên tai gây thiệt hại nhất lịch sử nước Mỹ. Đứng đầu là bão Katrina năm 2005 gây thiệt hại vật chất 100 tỉ USD. Hai cơn bão nữa trong top 10 là bão Andrew năm 1992 gây tổn thất 22 tỉ USD và bão Rita năm 2005 làm thiệt hại 6 tỉ USD. 

Điêu đứng nhất là ngành bảo hiểm. Chỉ riêng hôm 28-8, Công ty Bảo hiểm Equecat ở bang California đã phải chi trả 200-400 triệu USD cho khách hàng ở hai bang. Trong khi đó theo các nhà khí tượng học, Irene chỉ là cơn bão đầu tiên của mùa bão năm nay. Công ty AM Best chuyên thẩm định sức khỏe tài chính của các công ty bảo hiểm thì nhận định tình hình thiên tai năm nay xấu chưa từng thấy. Trong sáu tháng đầu năm, thiệt hại do thiên tai đã bằng cả năm ngoái cộng lại với 27 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái là 11,9 tỉ USD. 

Các ngành công nghiệp khác như xe hơi, hóa dầu cũng chịu thiệt hại không kém. Nhà máy sản xuất hộp số của GM đặt tại Maryland và nhà máy sản xuất của BMW đặt tại Nam Carolina phải hứng chịu sự tàn phá trực tiếp bởi nằm trên đường đi của tâm bão. Phần lớn các đại lý xe hơi để xe của họ ở ngoài trời, phải chống chọi lại với các yếu tố thời tiết như gió mạnh, các mảnh vỡ bay lung tung, mưa ngập úng nên cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Tại vùng ven biển phía đông, các hãng hàng không cảnh báo, có thể phải mất tới vài ngày để đưa hàng ngàn khách hàng bị mắc kẹt trở về nhà. Các tuyến xe lửa giữa New Jersey và New York đã ngừng hoạt động. Các tuyến xe lửa giữa các thành phố và các vùng ngoại ô phía Bắc cũng bị gián đoạn. Nhà chức trách tại nhiều địa phương đang theo dõi sát sao các đập lớn ngăn các hồ chứa nước bởi lo ngại nguy cơ vỡ đập gây lụt lội nghiêm trọng. Trên bình diện liên bang, Công ty dự báo Kinetic Analysis Corp. đánh giá bão Irene sẽ là một đòn nữa giáng vào nền kinh tế vốn đang khốn đốn của Mỹ. 

Có lẽ, điều tích cực hiếm hoi sau bão Irene là tình trạng thất nghiệp ở nhiều địa phương sẽ tạm thời lắng xuống vì quá trình xây dựng lại và lau dọn sau bão sẽ tạo điều kiện cho nhiều người không có việc làm. Tuy nhiên, ảnh hưởng lâu dài của bão Irene lên nền kinh tế lại là chuyện khác và chưa ai biết quá trình khắc phục hậu quả sẽ kéo dài trong bao lâu.