Điều chỉnh tránh “giật cục”

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã xác lập xu hướng tăng trở lại với mức tăng 0,27% so với tháng 6, song vẫn thuộc loại thấp so với CPI tháng 7 cùng kỳ 10 năm qua. Yếu tố quan trọng hàng đầu khiến CPI 7 tháng qua tăng thấp là do giá lương thực, thực phẩm đã giảm và tăng thấp trong thời gian khá dài. Chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu dùng, nên tốc độ giảm giá 2 mặt hàng quan trọng này có tác động kéo CPI xuống theo, đồng thời liên quan đến thu nhập, sức mua của phần lớn dân cư. 

Chỉ số CPI từ tháng 7 có xu hướng tăng cao lên, rõ ràng là tín hiệu kém vui đối với người tiêu dùng, vì phần đông trong số họ có thu nhập thấp, sức mua có khả năng thanh toán cũng thấp. Một bộ phận không nhỏ là những người thuộc diện nghèo, cận nghèo, nhất là những người bị mất việc làm hoặc thất nghiệp. Theo phân tích của một số chuyên gia, mặc dù tính chung lạm phát năm thì năm nay là thấp, song nếu tính riêng lạm phát “lõi” thì vẫn còn cao.

Ngay cả khi CPI cả năm 2013 được dự đoán ở mức trên dưới 7% và nếu điều này đúng, thì CPI cuối năm nay so với năm 2003 đã cao gấp 2,75 lần. Có nghĩa là, sức mua của đồng tiền đã giảm đi 2,75 lần, nói cách khác, 100.000 đồng cuối năm 2013 chỉ có sức mua bằng 36,4 nghìn đồng vào cuối năm 2003. Nếu lạm phát tăng cao trở lại lớn hơn 7%, thì mức sụt giảm sẽ còn lớn hơn. Trong xu hướng CPI tăng cao, nhưng vẫn phải ngăn chặn suy giảm để cứu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu kinh tế, không thể chỉ dựa vào giải pháp nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ bởi như vậy rất dễ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tức là dễ rơi vào vòng luẩn quẩn bấy lâu nay: tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng - lạm phát. Vậy làm cách nào thoát ra khỏi cái vòng này? Một mặt, cần quan tâm đến liều lượng nới lỏng, mặt khác, cần rót tín dụng vào đúng địa chỉ. Bên cạnh đó, cần tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, bởi đây là nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.

Trong những tháng còn lại năm 2013, việc thực hiện lộ trình giá thị trường với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng là cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình phải đúng hướng và đảm bảo đa loại hình để hạn chế độc quyền, trong khi chưa thực hiện thì cần minh bạch, công khai và tăng cường kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt là liều lượng điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương. 

Từ nay đến cuối năm có thể coi là “phép thử” trong điều hành, điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là tỷ giá VND/USD. Lời khuyến cáo được giới chuyên gia đưa ra là điều chỉnh tránh “giật cục”.