Điều chỉnh giờ làm, bớt giờ nghỉ trưa: Bố mẹ đi làm sớm hơn hay muộn hơn thì biết gửi con ở đâu?

ANTD.VN - Theo các vị ĐBQH, điều chỉnh giờ làm việc hành chính ở một số thành phố lớn, rút ngắn thời gian nghỉ trưa xuống còn 1 tiếng là một đề xuất hay song cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng chứ không phải làm ngay được.

ĐBQH Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ tại Quốc hội sáng 1-11

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng qua, 31-10, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất điều chỉnh giờ làm việc hành chính ở các thành phố lớn, giờ bắt đầu làm từ 8h30, thời gian nghỉ trưa rút ngắn xuống chỉ còn 1 tiếng. Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 1-11, Báo ANTĐ đã ghi lại một số ý kiến ĐBQH đánh giá về ý kiến đề xuất này.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá, đây là một đề xuất hay của ĐBQH và cần được trân trọng. Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan cũng nên nghiên cứu đề xuất này để xem có thể áp dụng được hay không, với từng địa phương hay trên diện rộng và thời gian nào áp dụng thì hợp lý. Theo ĐB, mỗi một thành phố, một tỉnh thành phố có một đặc thù riêng nên nếu nghiên cứu áp dụng thì cũng phải tùy thuộc vào đặc thù của địa phương để xem xét toàn diện.

Tương tự, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, ông rất trân trọng ý kiến đề xuất của ĐB Nguyễn Văn Cảnh. Thực tế, đây không phải là đề xuất mới, chúng ta cũng đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh giờ làm nhưng bối cảnh xã hội luôn thay đổi nên việc điều chỉnh cũng cần liên tục nghiên cứu, triển khai cho phù hợp. “Có điều phân tích của ĐB Cảnh chỉ là một gợi ý, chúng ta cần phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn” – ông Quốc nêu quan điểm.

ĐB Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 1-11

Tại đoàn Hà Nội, ĐB Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, về điều chỉnh giờ làm, đây là một vấn đề không chỉ liên quan đến kinh tế xã hội nói chung mà còn liên quan đến thay đổi truyền thống, thói quen của người dân.

Hơn nữa, điều chỉnh giờ làm không chỉ tác động riêng đến người đi làm mà còn ảnh hưởng đến cả người không đi làm, thế nên cần có nghiên cứu rất kỹ chứ không phải đùng cái làm ngay được.

“Tôi lấy ví dụ, hiện nay, giờ làm việc từ 8h sáng, nếu điều chỉnh giờ làm việc ở khối giáo dục sang 8h30 hay 9h, bố mẹ đi làm sớm hơn giờ con đi học thì lại phải loay hoay tìm chỗ gửi như thế nào, nhờ người đưa đi học ra sao? Bố mẹ đi làm muộn hơn, về muộn hơn thì con cái ai đón? Rồi nhiều phụ nữ ở nước ta làm gần nhà thì trưa còn có thói quen về nấu cơm cho bố mẹ, cho chồng con, nay rút thời gian nghỉ trưa ngắn hơn tất nhiên sẽ ảnh hưởng…” – ĐB Ngọ Duy Hiểu phân tích.

Ông Hiểu cho rằng, thói quen tất nhiên có thể thay đổi nhưng thực tế nhiều người Việt Nam rất khó thay đổi thói quen hoặc thích ứng với sự thay đổi rất chậm. Do vậy, đây là vấn đề cần có xem xét, thời gian.

Cũng theo ĐBQH đoàn Hà Nội, điều chỉnh giờ có thể là một trong những giải pháp có thể giúp giảm ùn tắc giao thông nhưng không phải là giải pháp quan trọng nhất. Và nếu nói thay giờ làm sẽ giảm ùn tắc giao thông ngay thì cũng chưa hẳn. Thực tế thời gian qua, chúng ta tuy chưa thành chủ trương điều chỉnh giờ làm nhưng cũng đã có định hình tương tự, chẳng hạn khối siêu thị thương mại mở cửa từ 9h sáng, thế nhưng việc áp dụng không thể yêu cầu cứng nhắc được.

“Chúng ta có thể nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc dần trong một số khu vực, nếu thấy khả thi và ích lợi thì chúng ta nghiên cứu tiếp và dần dần mở rộng ra. Đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, kể cả những người không trong diện bị điều chỉnh giờ làm” – ĐB Ngọ Duy Hiểu góp ý.