Điều bí mật 60 năm sau mới kể

ANTĐ - Có một sự kiện cần giữ bí mật, chúng tôi được nghe phổ biến trực tiếp là không được nói lại với bất cứ ai, đã xảy ra từ khi tất cả chúng tôi là những chàng trai, cô gái tuổi chỉ vừa xấp xỉ đôi mươi. 60 năm sau, chúng tôi hầu hết đã vượt quá tuổi cổ lai hy, chúng tôi mới bàn nhau phá vỡ quy định. 
Điều bí mật 60 năm sau mới kể ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ăn cơm với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tại Việt Bắc

Về Thủ đô bằng bè

Năm 1953-1954, Bộ Công an quyết định điều động hơn 500 đồng chí cán bộ cấp xã, huyện trong cả nước về tập trung trong khu rừng rậm cuối tỉnh Tuyên Quang để theo học lớp đào tạo Chiến sỹ An ninh khóa I rồi khóa II. Để giữ tuyệt đối bí mật, tất cả lán sinh hoạt, nhà bếp, nhà ăn, hội trường… đều bố trí dưới rặng cây cổ thụ, kín tới mức những người dưới đất khó nhìn thấy bầu trời. Ban Giám hiệu do thầy Lân làm Hiệu trưởng, thầy Côn làm Hiệu phó tuy đã cố gắng hết mức song tiêu chuẩn học viên chỉ được ngày hai bữa, bữa trưa chủ yếu là ngô bung, cơm độn. Không ai được phát giầy dép hoặc quần áo. Từ nông thôn ra đi, nhiều cô gái còn vấn khăn, mặc áo bà ba, nhuộm răng đen. Không ít học viên nam diện quần áo nhuộm nâu, nhuộm chàm và thích rít thuốc lào cả đêm. 

Sau ngày ký Hiệp định Geneva, chúng tôi không học tiếp chương trình nữa mà nghe phổ biến là sẽ đi tiếp quản Thủ đô. Thủ đô ở đâu? Thủ đô có lớn gấp dăm bảy lần làng quê chúng tôi không? Chúng tôi đều mù tịt vì chưa ai đặt chân đến nơi này. Thầy Lân, Hiệu trưởng đã mời các giảng viên đem theo bản đồ, ảnh chụp, tranh vẽ… giới thiệu toàn cảnh Hà Nội và những quy định nghiêm ngặt yêu cầu các cán bộ vào tiếp quản Thủ đô phải chấp hành. Chúng tôi không rõ mình sẽ về Hà Nội bằng cách nào, nhà trường dùng phương tiện gì? Đi bộ ư? Nếu đi bộ về Hà Nội, chúng tôi e rằng không kịp thời gian và chúng tôi sẽ trở thành những “hình nhân” tiều tụy, thiểu não, kém khí thế. Để đến trường kịp ngày khai giảng, đoàn Thanh Hóa của chúng tôi có 22 người (12 nữ) phải đi liên tục ròng rã suốt 32 ngày mới tới đích trong tình trạng người nào cũng sụt tới vài cân, ai cũng mệt phờ phạc, chân sưng tấy nứt nẻ.

Trường của chúng tôi không có chiếc ô tô nào, biết mượn đâu, huy động nguồn nào để đủ xe chở được trên 500 người? Rồi những lo lắng ấy tan biến khi nhận được thông tin, Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương chọn đường thủy. Nhưng vào thời điểm đó, trường An ninh không có bất cứ phương tiện giao thông đường sông nào, cùng với đó các học viên sẽ bị xé lẻ, không có cách nào tập trung nổi khi tới đích vì không thuê được nhiều thuyền to, không đủ lái thuyền đáng tin cậy. Thế là sáng kiến thuê bè hoặc đóng bè nảy sinh. Sáng kiến dùng bè mảng được các đồng chí lãnh đạo nhà trường và toàn thể học viên hưởng ứng. Đồng chí Chủ tịch tỉnh cùng các ủy viên trong Ủy ban Kháng chiến và các Tỉnh ủy viên tỉnh Tuyên Quang trực tiếp trưng mua các bè mảng trên sông, trực tiếp xét duyệt và điều động những thủy thủ quen sông nước, luồng lạch nhất để đưa đoàn về Hà Nội nhanh nhất, an toàn nhất. Nếu ghép từng bè nhỏ thành bè lớn có thể chở cùng một chuyến gần 100 học viên rất thuận lợi. 

Hóa thân đặc biệt

Khi đó, các học viên không được lệnh xuất phát cùng một ngày mà được chia thành nhiều đoàn khác nhau, thời gian lên đường không giống nhau và người nọ không biết người kia đi đâu, làm gì. Thầy Hiệu trưởng tuyên bố dứt khoát: Về Hà Nội, dù có bất ngờ gặp nhau trong cuộc họp hay giữa phố đều không được phép nhận nhau, không được hỏi han bạn ở đâu, làm gì, liên hệ với ai? Từng đồng chí sẽ được bố trí công tác riêng, sẽ có đầu mối liên lạc riêng để giao nhiệm vụ. Có ý kiến chất vấn Ban giám hiệu: Quân Pháp rút hết rồi. Thủ đô Hà Nội là của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn chính quyền cũ đâu mà cảnh giác? Thầy hiệu trưởng phê phán các học viên quá mơ hồ, không nhận thấy thành phố khi địch mới rút còn gài lại rất nhiều gián điệp và đủ loại cạm bẫy chống lại ta. Thầy cho biết, trong số chúng tôi sẽ có người trở thành nhà buôn (chị Đào Thanh Tước được phân công việc này) chuyên buôn thúng bán mẹt hay có quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hàng Da… có nữ cán bộ buộc phải vào vai con ở trong một gia đình mà ta đang nghi vấn, có người được phân công làm công vụ, lái xe, văn thư, bảo vệ... Càng nghe chúng tôi càng thấy tầm quan trọng của công tác an ninh. Sẽ có các đồng nghiệp của chúng tôi lọt vào Bộ Ngoại thương, Bộ Ngoại giao… 

Đoàn cán bộ phụ nữ Thanh Hóa gồm 12 chị cùng phối hợp với các chị ở Nam Định, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam lập thành đoàn 28 người có nhiệm vụ về tiếp quản Bưu điện Hà Nội do chị Nguyễn Thị Xiêm lãnh đạo được đi chung một bè. Đoàn đến Thường Tín đêm 7-10-1954, chỉ có 3 ngày song có bao nhiêu việc cần làm. Ngày rời Tuyên Quang, Ban giám hiệu đã chạy ngược chạy xuôi nhưng cũng chỉ cấp phát được cho mỗi học viên một quần hoặc một áo vải Chúc Bâu. Bởi chúng tôi không thể diện bộ cánh mà mọi người gọi đùa là “nhà quê” hoặc màu cháo lòng hoặc những ai có bộ tươm tất nhất cũng đã cũ, lạc lõng, không hợp kiểu thành thị. Thế là, 28 chị em chúng tôi được các bác thợ may đến đo kích thước và chỉ một ngày sau mỗi người đã có một quần lụa đen, một áo lụa trắng, một quần âu, áo vest bằng vải kaki màu sáng. Người đẹp vì lụa, chúng tôi sang hẳn lên nhưng ai cũng lúng túng vì không biết xoay xở ra sao với chiếc quần tây mà khi mặc vào người cứng đơ như gỗ.

“Những nhân viên tổng đài”

Sáng 10-10-1954, chúng tôi nhập vào đoàn lớn hơn do người của Bưu điện được giới thiệu là đồng chí Tôn Tích Phong, cán bộ Nha Bưu điện cũng mới từ Tuyên Quang về dẫn đầu. Bước vào ngôi nhà quá cao, to, rộng các cô gái đều choáng ngợp, hồi hộp nhớ tới lời dặn phải giữ đúng tư thế người chiến thắng nên các cô đã chủ động nắm quyền kiểm soát Bưu điện.

Các lãnh đạo của trường đã thống nhất trước về phân công nên lực lượng nòng cốt của công an cử sang được giao mỗi người một việc. Các chị nhận điều khiển tổng đài vô cùng vất vả. Bên cạnh các chị là những công nhân lưu dung đã làm việc này hàng chục năm nên họ rất nhanh nhẹn tháo vát. Mỗi tổng đài thời đó có khoảng 50 máy lẻ, nghe chuông đổ thấy tín hiệu nhấp nháy, chúng tôi biết ngay ai gọi đến, phải làm sao khi họ nói số cần liên lạc chúng tôi phải nối được ngay. Do lo ngại không hoàn thành trách nhiệm, do ăn ngủ tại chỗ và không dám ra phố sợ lạc đường nên các chị bảo nhau học ngày, học đêm do đó nhiệm vụ chuyên môn có tiến bộ trông thấy. Tuy vậy, việc của trường giao chúng tôi rất khó thực hiện.

Chúng tôi nhận lệnh phải theo dõi âm mưu gây bạo loạn, dự định đảo chính hoặc cướp phá nơi nào đó được truyền đi từ máy A, máy B. Chúng tôi không thể công khai việc này vì lúc nào cũng có công nhân lưu dung ngồi cạnh. Tuy vậy chỉ cần theo dõi 1-2 máy nên chúng tôi cũng có cách “ru ngủ” bạn cùng nghề. Những chiến sĩ an ninh được phân công làm nhân viên khai thác có thuận lợi hơn, nhưng không phải không gặp trở ngại. Gạn lọc qua thư từ, tài liệu, bưu phẩm gửi qua đường bưu điện, chúng tôi tìm thấy vài địa chỉ cần theo dõi. Chúng tôi phải tìm cách giấu thư đi để đem giao tại điểm hẹn. Những năm 1955, 1956, những chiến sĩ an ninh đã trở thành những nhân viên tổng đài giỏi, có thể độc lập tác chiến, bỗng có lệnh điều động sang phụ trách Tổng đài nhiều bộ quan trọng và cơ quan giao tế. 

Những ngày về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi nhớ rất  rõ danh sách các học viên được điều động về Bộ Công an, khoảng 300 đồng chí. Nửa thế kỷ sau, tất các các học viên An ninh khóa I, II đều đã nghỉ hưu. Trừ những đồng chí đã hy sinh trong chiến tranh, đã từ trần, đã về quê lập nghiệp… hiện còn 123 cựu học viên là công an với gần 30 đồng chí cấp Thiếu tướng, Đại tá, Thượng tá. Những cô gái về tiếp quản Bưu điện năm xưa có người đã lên chức Giám đốc, Trưởng phòng. Những đồng chí nữ được điều động trở lại ngành công an có người đã lên Trung tá, Thượng tá trước khi nghỉ hưu. Tất cả chúng tôi đều được tham gia CLB Cán bộ hưu trí của trường An ninh. Những gian khổ, thiếu thốn năm xưa giờ với chúng tôi là kỷ niệm đẹp đáng nhớ của đời mình. Lần gặp mặt mới đây ngày 19-8, những người năm xưa giờ chỉ còn chưa đủ 100 đồng chí.