Điều ác trong tâm

ANTĐ - Một người đàn ông quá chán nản với cuộc sống đã lên núi tìm vị thầy tu thông thái để xin lời khuyên, anh hỏi rằng: “Vì sao những người lương thiện như con luôn cảm thấy khổ mà những người ác lại vẫn sống sung sướng như vậy, thưa thầy?”. Vị thầy tu nhìn anh rồi bảo: “Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm họ tồn tại một điều ác”. Người đàn ông ngạc nhiên, phân bua: “Thưa thầy, tâm con rất lương thiện, con chưa từng nghĩ hay làm điều gì ác cả”. 

Vị thầy tu vẫn từ tốn bảo: “Vậy hãy nói cho ta nghe về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con”. Người đàn ông giãi bày: “Nỗi khổ của con thì rất nhiều. Thu nhập rất thấp và bấp bênh, nhà ở chật chội và thiếu thốn, con thường xuyên có cảm giác thua thiệt mặc dù con luôn cố gắng hết sức mình, bởi vậy trong tâm con không lúc nào thoải mái vì ngoài kia không ít người trình độ không có, văn hóa cũng không vậy mà ăn trắng mặc trơn. Con thực sự không phục, con là người có học, có kiến thức, luôn cố gắng, vậy mà...”.

Vị thầy tu nghe xong gật đầu, mỉm cười rồi nhẹ nhàng nói: “Con sống bằng chính sức lao động của mình, con có thu nhập, có nhà ở, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy. Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Lòng tham này chính là ác tâm. Nhìn những người thiếu văn hóa, thiếu năng lực nhưng lại phát tài, con cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói”.

Người đàn ông ngồi im suy nghĩ và như bừng tỉnh. Thầy tu gật đầu: “Hãy lấy những niềm vui nhỏ trong cuộc sống đặt lên trên tiền tài và của cải. Hãy vui vẻ chúc phúc cho những người hơn mình. Đó chính là bí quyết để vui sống an bình và tự tại giữa cuộc đời ”.