"Diệt" tận gốc xe quá tải

ANTĐ - Xe quá tải hoạt động trên địa bàn TP đã giảm rõ rệt, tình trạng xe lặc lè chở nguyên vật liệu rầm rập chạy trên các tuyến đường đê, đường vành đai chỉ còn là một vài trường hợp đơn lẻ. Tuy nhiên, theo nhận định, không ít lái xe, doanh nghiệp vẫn có tư tưởng chống đối, chỉ chờ lực lượng chức năng nơi lỏng là tái phạm.
"Diệt" tận gốc xe quá tải ảnh 1

Tình trạng xe quá tải chạy trên các tuyến đê sông vẫn diễn ra

Chỉ chờ cơ hội để... vi phạm

Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 10 tháng vừa qua, lực lượng thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm gần 3.800 trường hợp vi phạm tải trọng, cơi nới thùng xe. Phạt tiền hơn 24,6 tỷ đồng, tước 860 giấy phép lái xe, tạm giữ 180 phương tiện.

Ngay từ đầu năm 2015, Sở GTVT đã tổ chức ký cam kết với gần 1.300 đơn vị vận tải, đơn vị bốc xếp hàng hóa, kho hàng, nhà ga… thực hiện cam kết bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô đúng quy định. “Tình hình chở hàng quá tải trọng, bốc xếp hàng quá tải lên xe đã giảm rõ rệt trên các tuyến đường của Thủ đô. Tuy nhiên, tư tưởng chống đối, lợi dụng sơ hở hay vắng bóng lực lượng chức năng để chở hàng quá tải vẫn xảy ra”, ông Trần Đăng Hải nhìn nhận.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, Trạm trưởng Trạm kiểm  tra tải trọng xe lưu động cho biết, trong 10 tháng, tại 5 trạm cân lưu động, lực lượng chức năng đã lập 939 biên bản vi phạm, phạt tiền trên 5 tỷ đồng, trong đó phạt lái xe 4,7 tỷ đồng, phạt các doanh nghiệp khoảng 400 triệu đồng.

“Thời gian đầu, lượng xe quá tải trọng rất nhiều, nhưng từ giữa năm 2015 đến nay, lượng xe vi phạm đã giảm đáng kể. Trung bình kiểm tra 10 xe chỉ còn 2-3 xe vi phạm, với mức vượt tải cũng chỉ từ 10-20%”, ông Cao Văn Hiệp thông tin. Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh, Đội trưởng Đội cầu đường bộ (Thanh tra Sở GTVT) cho biết, một số lái xe, doanh nghiệp đã cắt thùng xe nhưng luôn chực chờ có cơ hội là lắp thành lên để chở quá tải. “Luôn có một đội theo dõi sát hoạt động của tổ kiểm soát để thông báo lịch làm việc cho các lái xe, doanh nghiệp tìm đường vòng tránh”, ông Nguyễn Ngọc Vinh nói.

Bổ sung chế tài xử phạt

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mức phạt vi phạm quá tải trọng là khá cao, nên đã nảy sinh tâm lý chống đối, chây ỳ, cố tình không hợp tác với lực lượng chức năng. Thậm chí, khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra tải trọng, lái xe đã khóa cửa bỏ đi, trong khi việc hạ tải rất khó khăn vì còn liên quan đến cơ sở hạ tầng, hàng hóa trên xe…

Đội trưởng Đội thanh tra GTVT quận Thanh Xuân Lê Tùng Lâm cho biết, tình trạng chở hàng quá tải trọng dù đã giảm nhưng khi lực lượng chức năng nơi lỏng là lại tái diễn. Bởi vậy, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT lần này cần xem xét bổ sung quy định: những phương tiện chở vượt tải lớn có thể tạm giữ xe; đối với những trường hợp cố tình chống đối, khóa cửa xe bỏ đi nên xem xét việc cho phép tháo biển số xe. 

Cũng bởi tình trạng xe chở quá tải vẫn tiếp diễn, nên tâm lý của không ít doanh nghiệp không ổn định. Đại diện Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội cho biết, nếu tạo một sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong vận tải hàng hóa thì không doanh nghiệp nào muốn chở quá tải. Nhưng vì doanh nghiệp này nhìn doanh nghiệp kia, một số doanh nghiệp, lái xe vẫn lén lút chở hàng quá tải nên tạo ra tâm lý so bì, chờ cơ hội để chở hàng quá tải.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT (CATP Hà Nội) kiến nghị, Sở GTVT cần có biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp xe thuộc doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, như rút giấy phép hoặc tạm đình chỉ nếu doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm, như vậy doanh nghiệp mới thấy được trách nhiệm của mình. Ngoài ra, cấn siết chặt việc nhập khẩu các loại xe tải, đặc biệt là xe siêu trường, siêu trọng. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tiến tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ “truy” ngược lái xe vi phạm tải trọng: “Nếu lái xe vi phạm tải trọng, sẽ truy xe thuộc doanh nghiệp nào, bốc xếp hàng ở kho, bãi nào và có biện pháp xử lý. Như vậy mới có thể dẹp tận gốc tình trạng xe quá tải”.