Diệt "bóng ma" AC-130 trên đỉnh Trường Sơn bằng SAM-2

ANTĐ - Trong cuộc đối đầu với “bóng ma” AC-130 của quân đội Mỹ trên đỉnh Trường Sơn, không thể không kể tới chiến công của bộ đội tên lửa, trong chiến công chung của lực lượng phòng không đường Hồ Chí Minh.

Quyết trị AC-130 bằng tên lửa

AC-130 của Mỹ là biến thể cải tiến từ loại máy bay vận tải hạng trung C-130, được trang bị thêm nhiều khí tài trinh sát hiện đại nhất bấy giờ như hệ thống quan sát hồng ngoại, hệ thống quang truyền hình và khuếch đại ánh sáng mờ, thiết bị phát hiện tia lửa điện phát ra từ ôtô, máy nổ…
Vì vậy, loại máy bay vừa có sức chở lớn, vừa được trang bị hỏa lực mạnh: với các loại pháo 40mm, pháo 20mm và súng máy 7,62mm (đều được đặt ở sườn trái máy bay). Không chỉ vậy, trong các loại máy bay Mỹ sử dụng ở chiến trường Việt Nam, AC-130 là loại máy bay chiến đấu có kíp bay đông nhất, lên tới 13 người, gồm: lái chính, lái phụ, hoa tiêu, nhân viên điện tử và các hệ thống trinh sát cùng các xạ thủ pháo và súng máy...
Khi đánh phá giao thông, AC-130 thường bay một chiếc ở độ cao 3.000 đến 5.000m, cao hơn tầm bắn hỏa lực pháo cao xạ cỡ nhỏ 37mm mà ta thường dùng ở đó). Ngoài ra, AC-130 có tốc độ bay 90-100 m/s, thời gian bay trên không từ 2 đến 4 giờ liền, cơ động cả hướng và độ cao kết hợp với gây nhiễu tích cực và tiêu cực.
Vào ban đêm AC-130 có thể phát hiện chính xác rồi sử dụng pháo và súng máy đánh trúng từng xe vận tải và các mục tiêu giao thông của ta, gây tổn thất lớn và làm ách tắc nghiêm trọng trên các cửa khẩu và tuyến đường 559. Tóm lại, trên tuyến đường 559 thì AC-130 là đối thủ vô cùng nguy hiểm và không dễ bắn hạ.

Màn thị uy của AC-130
Màn thị uy của AC-130

Như vậy, địch quyết dùng mọi thủ đoạn và vũ khí tối tân nhất để chặn các dòng hàn, còn ta cũng quyết dùng mọi biện pháp cho xe vượt qua để chi viện cho miền Nam. Cuộc quyết đấu này chỉ có thể giải quyết xong nếu ta trị được hung thần AC-130 (ngoài loại này còn có 1 số AC-119 cải tiến từ vận tải cơ C-119).
AC-130 có kích thước lớn, tốc độ chậm, khả năng cơ động kém, hoạt động thường theo quy luật cả về đường bay, thời gian và khu vực đánh phá nên ta có thể chủ động đề phòng và tìm cách đối phó. Ta từng dùng pháo cao xạ bắn cháy AC-130 và AC-119, tuy nhiên, đây là loại máy bay lớn (C-130 nặng toàn bộ gần 80 tấn…) nên bị trúng đạn thường không rơi tại chỗ. Đồng thời, chúng luôn bay cao hơn 3.000 m nên từ năm 1970, nhiệm vụ hạ AC-130 và B-52 ở Trường Sơn được giao cho bộ đội tên lửa.

Vượt muôn trùng khó khăn lập chiến công


 Do đặc điểm chiến trường rừng núi trùng điệp, đèo dốc hiểm trở, đường xá nhỏ hẹp lại bị bom đạn cày phá liên tục nên rất khó triển khai các loại vũ khí phòng không cỡ trung trở lên, với tên lửa SAM-2 nặng nề lại càng khó khăn.
Không chỉ vậy, bay kèm AC-130 luôn có các loại máy bay tiêm kích, cường kích mang Sơrai chống radar, bom laser, tên lửa có điều khiển các loại, rocket… sẵn sàng yểm trợ và đánh phá lực lượng phòng không của ta muốn bắn hạ AC-130. Ngoài ra, các máy bay trinh sát vũ trang O-2, OV-10 quần thảo suốt ngày đêm cùng biệt kích, thám báo lùng sục khắp nơi hòng phát hiện tên lửa ta…
Tên lửa SAM-2 được giao trọng trách đối phó với AC-130 và B-52.
Tên lửa SAM-2 được giao trọng trách đối phó với AC-130 và B-52.

Việc đưa SAM-2 vào chiến trường 559 vô cùng khó khăn: đưa 1 bộ khí tài vào trận địa phải mất hàng tháng trời với nhiều tổn thất, ví dụ chỉ riêng tiểu đoàn 67 hành quân chiếm lĩnh trận địa trên đoạn đường 100 km phải mất 2 tháng, bị không quân địch chặn đánh 21 lần và 1 lần B-52 rải thảm làm hỏng 1 xe khí tài, hệ thống dẫn sóng, 4 xe chở tên lửa, 1 xe chở dầu, 1 số xe kéo và không ít chiến sĩ ta bị thương vong.
Đến trận địa, do mặt bằng hẹp và góc che khuất lớn nên tiểu đoàn chỉ triển khai được 2 bệ, 2 tên lửa với góc bắn hẹp chỉ khoảng 50 độ (theo quy tắc bắn phải đủ 6 bệ, 6 đạn). Có tiểu đoàn khác chưa hành quân đến trận địa đã bị địch đánh hỏng phần lớn khí tài, phải dừng lại chờ bổ sung từ miền Bắc vào trong… nhiều tháng. Dù vậy, vượt qua mọi hy sinh gian khổ và muôn trùng khó khăn, bộ đội tên lửa Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quét đuổi “bóng ma” này ra khỏi dãy Trường Sơn.
Ngày 4/3/1971, tiểu đoàn tên lửa 83 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc AC-130 gần trận địa Côn Cùng sát biên giới Việt-Lào… Ngày 27/2/1972 từ trận địa Máy Húc, tiểu đoàn tên lửa 67 bắn trúng 1 AC-130 nhưng máy bay không rơi tại chỗ nên chúng ngừng một thời gian rồi lại tiếp tục hoạt động.
Ngày 29/3/1972, lúc 3 giờ sáng tiểu đoàn 67 đã đánh 1 trận xuất sắc, bắn rơi tại chỗ chiếc AC-130 ở khu vực Lùm Bùm- Huổi Chang, trong lúc không quân địch đang lồng lộn bắn phá ngăn chặn giao thông của ta. Lĩnh trọn 2 quả tên lửa ở độ cao hơn 3.000 m, chiếc AC-130 bốc cháy rừng rực giữa trời đêm Trường Sơn, rồi cùng toàn bộ kíp bay 13 người đâm đầu xuống rừng rậm bản Nabo (gần ngã ba Đường 9), cách trận địa ta chỉ 6 km.
Chứng kiến cảnh tượng đó, các loại máy bay khác của địch đang hoạt động quanh đấy đều hốt hoảng tháo chạy khỏi vùng hỏa lực tên lửa và sau đó phải ngừng đánh phá khu vực này, tạo thuận lợi cho các đoàn xe vận tải của ta vượt cửa khẩu, kịp thời chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường.
Ngấm đòn, từ đấy AC-130 không dám tác oai, tác quái quanh đó nữa mà phải lùi sâu về phía nam Đường 9, hoạt động cầm chừng…