Điệp khúc… "giải cứu" đến bao giờ (?!)

ANTD.VN - Điệp khúc… “giải cứu” dường như chưa bao giờ cũ, chỉ khác ở đối tượng cần được giải cứu. Từ những thứ trồng trên đất cho đến những thứ nuôi dưới nước, ít nhiều đều đã phải vận dụng hai từ giải cứu để thoát cảnh ê hề, rớt giá. 

Điệp khúc… "giải cứu" đến bao giờ (?!) ảnh 1Chiến dịch “giải cứu”… “ảo” là chuyện thật bởi có những nơi “tôm hùm giải cứu” giá còn đắt hơn cả tôm hùm bình thường

Tôi vốn xuất thân từ một vùng quê, nghề nghiệp chính của người dân quê tôi bao đời là làm muối. Thời đó, chắc cũng chưa phổ biến từ khóa giải cứu như bây giờ, nên rất nhiều lần diêm dân phải đối mặt với cảnh: Nắng càng to, muối làm ra càng nhiều thì giá lại càng rẻ. Bởi thế, người dân vẫn tếu táo nói vui rằng, nếu muối có thể ăn thay bữa thì một ngày làm muối có thể ăn được cả năm. 

Ngoài làm muối, dân quê tôi còn trồng thêm cả lúa. Những cánh đồng lúa gắn bó với thế hệ chúng tôi một thời niên thiếu với đầy những trải nghiệm. Rồi cây rau thay cây lúa, những giống rau ngắn ngày phần nhiều ăn theo sự hên xui của thời cuộc, nhưng sự xuất hiện của cây rau đã làm đổi thay rất nhiều vùng quê nghèo khó.  

Người dân đổ xô đi trồng rau, có những vụ rau thành công đã đem lại nguồn thu bằng bao nhiêu vụ lúa. Nhưng cũng có những vụ mùa mà do sự ứ thừa của nguồn cung, có những vụ rau nằm héo mòn trên các thửa ruộng. 

Tôi từng thấy những người dân đưa những đường cày, hất đổ những cây rau đang xanh tốt xuống đất, ngoài lý do không có người mua ra, công làm còn vất vả hơn tiền bán được. 

“Chiến dịch “giải cứu” ở một khía cạnh nhân văn có thể cho thấy ở sự tương thân, tương ái của người Việt Nam. Rất nhiều chiến dịch giải cứu đã giúp người dân vượt qua những cơn khốn khó, những sản vật được làm ra bằng mồ hôi công sức không bị trở thành những thứ đổ đi, ngoài sự mất mát công lao động của người nông dân còn là một sự lãng phí lớn”.  

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Không chỉ do các yếu tố của thị trường, một yếu tố hẳn nhiên đang phố biến ở nhiều vùng quê, đó là trồng và nuôi theo phong trào. Hay nói cách khác, theo thời giá. Mùa nào cây nào được giá, mùa sau rất nhiều người sẽ nhằm đúng cây đó mà trồng, từ khan hiếm trở thành ê hề, từ ê hề trở thành đìu hiu vì cung vượt quá cầu và điệp khúc được mùa giá rẻ lại tái diễn. 

Gần đây nhất, từ khóa “giải cứu” được gắn với con tôm hùm. Con tôm vốn xa xôi trên mâm cơm của người Việt tưởng như đã tiệm cận ở mức bình dân trong “chiến dịch” giải cứu. Thế nhưng, thực tế đã trả ra một đáp số khác, dù rầm rộ giải cứu với não nề những lời khẩn cầu, tôm hùm vẫn có giá trên cao so với mức thu nhập bình quân của người Việt. Thêm vào đó, rất nhiều câu chuyện trong mùa “giải cứu” đã được báo chí đề cập, cụ thể là sự lập lờ giữa các loại tôm hùm khác nhau, xa hơn nữa có thể là một chiến dịch “giải cứu”… “ảo”. Có những nơi, “tôm hùm giải cứu” giá còn đắt hơn cả tôm hùm bình thường. 

Người tiêu dùng ngoài tình đồng bào đùm bọc cũng nhân cơ hội này muốn được trải nghiệm một bữa tôm hùm vốn là thứ xa lạ với giá rẻ, tuy nhiên cái kết lại khác xa hoàn toàn với suy nghĩ của nhiều người. 

Điệp khúc… "giải cứu" đến bao giờ (?!) ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Chiến dịch “giải cứu” ở một khía cạnh nhân văn có thể cho thấy ở sự tương thân, tương ái của người Việt Nam. Rất nhiều chiến dịch giải cứu đã giúp người dân vượt qua những cơn khốn khó, những sản vật được làm ra bằng mồ hôi công sức không bị trở thành những thứ đổ đi, ngoài sự mất mát công lao động của người nông dân còn là một sự lãng phí lớn.  

Nhưng câu chuyện giải cứu ở một khía cạnh tiêu cực cũng trả ra những kết cục ở sự lệ thuộc giữa người nông dân. Suy cho cùng, việc nuôi trồng cũng là một công đoạn trong vận hành của chuỗi cung cầu, yếu tố kinh tế đi trước yếu tố xã hội. 

Bởi thế, trong rất nhiều thấp thoáng làng quê, cũng những thửa ruộng ấy, cũng những cái chuồng, cái ao ấy, rất nhiều người nông dân đã làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình. Dĩ nhiên, ngoài sự may rủi của thị trường và thời tiết, thành công của người nông dân còn phụ thuộc ở những yếu tố cá nhân như sự nhạy bén thời cuộc, sự tìm tòi cá nhân và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, chế biến. 

Câu chuyện lại trở về với “con cá và cái cần câu”, nhưng ở đây có thể suy nghĩ theo hướng, con cá có thể coi là tôm hùm, cần câu là sự giải cứu của người tiêu dùng trước sự thừa mứa của thị trường. Con cá, dưa hấu, thanh long… hay bất cứ nông sản nào là sự lựa chọn của người nông dân trong làm ăn kinh tế, “lời ăn, lỗ chịu” dân gian vẫn thường nói vậy. 

Ở rất nhiều cuộc giải cứu, người nông dân với người tiêu dùng lại bị một sự trung chuyển của các tiểu thương. Kiểu như “ngư ông đắc lợi”, người đứng giữa lại người hưởng thụ phần chênh lệch giá từ gốc và giá bán ra giữa người nông dân và người tiêu thụ. 

Tôi hình dung câu chuyện “giải cứu” với câu chuyện rất đau lòng về một người phụ nữ tha lôi đứa con đi trên cầu năm này qua năm khác để nhận tình thương của mọi người. Người phụ nữ ấy cuối cùng đã phải rời cõi trần sau một tai nạn. Ở đây, những người đã từng cho tiền người phụ nữ đó có thể viện dẫn, không ai ngăn cấm được tình thương của mỗi người, ai có gì cho nấy, đó là sự lựa chọn cá nhân. Nhưng cũng có quan niệm khác cho rằng, không vì những đồng tiền bố thí hay trao tặng đó, người phụ nữ kia liệu có tìm ra giải pháp nào cho cuộc đời mình không? Đứa con của chị có con đường sáng nào để bước đi không, hay lại lầm lũi theo bước chân mẹ trên mê mải đường lộ cũng là đường đời?

Ở góc độ này, những đồng tiền được người qua đường trao cho mẹ con người phụ nữ cũng là một chút nhỏ nhoi của sự “giải cứu”, nếu gọi đây là một sự “giải cứu”, thì đã là một sự “giải cứu” thất bại hoặc là đang ở lưng chừng của sự “giải cứu”.