Diễn viên Trung Anh: Những chuyện ngoài màn ảnh

ANTĐ - Trong tiềm thức của rất nhiều khán giả truyền hình, NSƯT Trung Anh là hiện thân của một người lính trở về sau chiến tranh với những vai diễn khắc khổ, lam lũ, cô đơn, độc thân.  Nếu nói,  vai diễn trên phim dễ ám với đời thực thì với anh có lẽ  là sự khác biệt hoàn hảo với một gia đình vô cùng hạnh phúc. Anh tự hào khi nói về vợ mình: “Tôi hơn 30 năm ăn cơm sân khấu và cũng bằng ấy năm lăn lộn phim trường và những chuyến công tác liên miên. Nếu không có một hậu phương ở nhà, chắc tôi không thể hết lòng vì nghệ thuật được…”.

Quá khứ ám ảnh

NSƯT Trung Anh tiếp tôi ở Nhà hát Kịch Việt Nam, vẫn gương mặt hiền lành, lam lũ đã ám ảnh khán giả nhiều năm qua từng vai diễn, vẫn cái vẻ trầm ngâm của một người nặng lòng với nghề. Điều ám ảnh của nghệ sĩ Trung Anh với tôi chính là gương mặt mà dẫu vui dẫu buồn thì nó vẫn rất khắc khổ. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi được bắt đầu bằng chính cái vẻ “khắc khổ” trên gương mặt ấy. Anh chia sẻ, đã hơn một lần anh muốn thay đổi mình ở những vai diễn phá cách hơn nhưng các đạo diễn không đồng ý nên anh vẫn bị đóng khung trong dạng vai hiền lành, và khán giả thì “đành” phải quen thuộc với nó.

Trung Anh bảo rằng, gương mặt anh trời sinh đã vậy nhưng ít người biết rằng, quá khứ đau thương của một thời ấu thơ cũng đã hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ ấy. Đó là năm 1968, vùng quê Đức Thọ của anh chiến tranh vẫn còn rất khốc liệt. Lúc bấy giờ, bố anh đang công tác ở Hà Nội. Đêm hôm ấy, một quả bom ném xuống sân nhà cướp đi mạng sống của mẹ anh, dì ruột và cả chị gái. Chỉ mình anh nằm dưới hầm là thoát nạn. Anh sẽ nhớ mãi cái buổi tiễn đưa mẹ, dì và chị lên núi trong nỗi đau xé lòng. Sau đó, anh theo những người hàng xóm đi bộ ra Bắc. Anh chẳng nhớ mình đi bao lâu để ra đến Hà Nội, chỉ nhớ rằng cuộc hành trình của mình diễn ra vào mùa lũ, nước sông La dâng cao. Khi anh bước lên thuyền cùng mấy người nữa thì thuyền lật, các chú bộ đội phải chặn ở cửa sông phía dưới vớt mọi người, vậy mà anh lại thoát chết. 

Cuộc hành trình ra Bắc với bao nhiêu gian truân và cuối cùng anh cũng gặp lại người thân giữa Thủ đô, trong cái tan hoang của thành phố thời chiến… Với một cậu bé 7 tuổi thì việc phải chứng kiến nỗi đau dồn dập, nỗi đau lớn nhất trong đời là quá sức chịu đựng và nỗi đau ấy đã ám ảnh anh suốt cả cuộc đời. Đôi khi anh cũng tự hỏi “phải chăng vì cái mất mát ấy đã tạo nên một Trung Anh bây giờ?”.

Vợ là khán giả trung thành

Nhiều người từng hỏi NSƯT Trung Anh rằng “vẻ khắc khổ ấy có ám vào đời sống của anh không?” thì anh cười vui vẻ “nó không liên quan gì” vì hiện tại, anh đang có một gia đình viên mãn, hai đứa con ngoan ngoãn và một người vợ đảm đúng nghĩa mà theo anh thì bất cứ người đàn ông nào lập gia đình cũng muốn sở hữu. Anh kể lại mỗi lần hiếm hoi ở nhà, anh rất muốn phụ vợ việc cơm nước nhưng nhìn cái nồi cơm điện là không biết phải bấm vào nút nào. Với sự nội trợ “kém cỏi” như vậy nên rất ít khi anh phải mó tay vào việc gì. Trong gia đình, mọi việc lớn nhỏ đều do một tay chị Hiếu sắp xếp. Anh gặp chị Minh Hiếu khoảng cuối năm 2006, lúc ấy anh đã 35, 36 tuổi còn chị chỉ mới bước qua tuổi 25. Lúc bấy giờ hai người ở cùng con phố Thái Thịnh. Thi thoảng qua lại thì gặp nhau nhưng ít khi nói chuyện. Cho đến một ngày, chị đưa cho anh xem “bộ sưu tập” những bài báo viết về anh khiến anh rất bất ngờ. Anh không nghĩ mình được quan tâm nhiều đến thế. Điều đặc biệt nhất là dù không hoạt động nghệ thuật nhưng khi nói về sân khấu hay truyền hình, chị có sự am hiểu khiến anh rất nể phục. 

Từ những ấn tượng đầu tiên ấy, anh dành tình cảm cho chị nhiều lên từng ngày. Năm sau thì anh chị cưới nhau. Từ đó đến nay, ngoài việc phải lo cho gia đình, chị vẫn dõi theo các bước đi của chồng. Các bộ phim anh đóng, các vở kịch anh diễn, chị không bỏ qua một chi tiết nào. Chị là một khán giả trung thành của anh. Tôi hỏi diễn viên Trung Anh, chị Hiếu có bao giờ ghen với các cảnh quay nhạy cảm của anh không thì anh nói đùa: “Vợ thì không nhưng cô con gái đang học lớp 4 thì khó chịu lắm. Mỗi khi thấy bố ôm cô nào trên phim là y như rằng, cô bé giận dỗi và mẹ phải dỗ dành rất lâu mới chịu nghe lời”. Cậu con trai lớn đang chuẩn bị lên lớp 9 vẫn thường thích bố kể về chuyện ngày xưa, chuyện bố bị lật thuyền trên sông La và cuộc hành trình hơn 400km cuốc bộ ra Hà Nội giữa mưa bom bão đạn ấy. 

Anh cũng chia sẻ, nhiều lúc cũng muốn tập trung dành thời gian cho gia đình vì cậu con lớn đang bước vào giai đoạn quan trọng lịch học chính, học thêm dày đặc. Nhưng kế hoạch cứ luôn bị đổ bể vì có một số lời mời không thể từ chối. Chị Hiếu biết anh rất băn khoăn nên lúc nào cũng động viên chồng. Điều đó khiến anh vô cùng cảm động bởi anh biết rất rõ, vợ anh hiểu tình yêu của anh với nghề lớn đến thế nào.