Diễn viên Johnny Trí Nguyễn: Từng ham chơi hơn… mê võ

ANTĐ - Nhìn vẻ ngoài từ tốn và nụ cười hiền lành của Johnny Trí Nguyễn, ít ai hình dung được ngày nhỏ anh lại thuộc hàng nghịch…“rách giời rơi xuống”. 

Johnny Trí Nguyễn chỉ đạo võ thuật trong bộ phim “Bụi đời chợ Lớn”

Thích trò… dọa ma

Thời thơ ấu của anh chàng diễn viên Việt kiều lịch lãm này gắn liền với miền sông nước Mỹ Tho - quê ngoại. Cũng như bạn bè cùng trang lứa ở miền quê nghèo, anh chẳng bao giờ biết đến đồ chơi là gì, muốn có thứ gì để chơi đều phải tự tay làm. Đồ chơi quen thuộc với Johnny khi đó là những chiếc xe tăng, xe Jeep nặn từ thứ đất sét mà anh hì hụi móc từ dưới mương nước lên.  Lâu lâu chơi đất sét chán, anh lại kiếm mảnh tre gần nhà buộc chun lại làm kiếm rồi múa võ một mình. Vóc dáng nhỏ thó nhưng anh chàng Johnny lại được bạn bè tín nhiệm vì có nhiều phát kiến, nhất là trò bẻ cây hái lá dựng chòi trên cây cao rồi chơi đánh trận giả.  

Tuổi thơ với Johnny còn là những khi cùng chị gái bày trò đi dọa ma người khác. Nhớ lại Johnny kể ngày đó cứ chạng vạng tối là hai chị em lại rủ nhau núp trong lùm cây, chực chờ có ai đi ngang qua là nhảy ra dọa, không thì ở tịt trong đó rung cây rồi rên khóc làm cho nhiều người yếu bóng vía phát hoảng. Nhưng cũng chỉ được vài lần thì  hai “con ma” bị phát hiện. Thậm chí, có lần hai chị em Johnny còn bị…dọa ngược lại. Lần đó cũng sẩm tối, chị bạn cùng xóm mặc nguyên bộ đồ trắng toát ngồi trong lùm cây quyết chí đợi hai chị em Johnny đi qua. Vừa thấy thấp thoáng bóng áo trắng, hai chị em Johnny liền cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà. Vừa về đến nơi, chưa kịp trấn tĩnh thì thấy chị bạn cùng xóm chạy lại cười nghiêng ngả.

Cascadeur và mối duyên điện ảnh

Ngày nhỏ, cậu bé Johnny hơi nhỏ con so với bạn bè cùng trang lứa. Thế nên nhìn Johnny ít ai nghĩ rằng anh lại là con nhà võ. Ông nội của Johnny là võ sư Nguyễn Chánh Minh - người nổi tiếng hành thiện giúp đời khắp miền Nam với biệt danh “Nhạn trắng Cà Mau” trong những năm 1930. Vốn là người đam mê võ thuật nên võ sư Nguyễn Chánh Minh đã cất công chắt lọc đủ các bài quyền từ các võ sỹ trên khắp miền Nam để sáng tạo nên phong cách võ riêng truyền dạy cho con cháu và sáng lập ra võ phái Liên Phong Quyền. Cha của Johnny cũng là một võ sư, ông đã dạy cho hai anh em Johnny các bài võ gia truyền nhập môn từ khi Johnny lên 7 tuổi. Có điều, vốn mải chơi và không thích đứng yên một chỗ múa võ nên Johnny thường không để ý đến việc tập tành võ vẽ. Cho đến một lần chứng kiến cảnh ông đứng yên để cho người khác đấm đá mà vẫn bình yên vô sự, Johnny mới bắt đầu ngạc nhiên và tò mò về sức mạnh của võ thuật. Cũng từ đó anh bắt đầu để ý đến việc tập võ và say mê luôn “món” này. 

Năm 9 tuổi, Johnny theo cha mẹ sang Mỹ định cư, anh cùng một nhóm bạn thành lập đội múa lân múa rồng đi biểu diễn khắp nơi và trở nên thân quen với cộng đồng người Việt xa xứ. Cũng trong thời gian đó, đi nhiều nơi, gặp nhiều võ sư biểu diễn các môn võ khác nhau, Johnny lân la ở khắp các võ đường, học thêm rất nhiều môn võ khác từ Thiếu Lâm, Thái Cực Quyền, Aikido đến Wushu. Sau này chính Johnny cũng không ngờ niềm đam mê võ thuật ấy đã đưa anh trở thành một trong những diễn viên đóng thế được nhiều đạo diễn Hollywood tin cậy và vô tình dẫn anh đến với mối duyên điện ảnh. Ít ai biết rằng để có được những cơ hội đó, anh cũng phải vừa học võ vừa tranh thủ làm thêm đủ việc ở phim trường, từ những việc lặt vặt phía sau ống kính như: phụ quay, chạy ánh sáng… đến việc mạo hiểm nhận lời làm “cascadeur” đóng thế các pha mạo hiểm.

Và một trong những điều giúp anh “ghi điểm” và tạo được sự tin tưởng ở các đạo diễn chính là không than phiền khi không may gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Đó chính là lý do anh chàng gốc Việt hào hoa được chọn đóng thế trong nhiều bộ phim ăn khách của Hollywood như: Người nhện 1,2; Cướp biển Caribbean… Riêng với Johnny thì đó cũng chính là nấc thang đầu tiên giúp anh tạo dựng được chỗ đứng riêng trong trên con đường nghệ thuật.