Diễn viên Bùi Thanh Lê "lấn sân" sang nghệ thuật tuồng

ANTĐ - Là nữ diễn viên chính trong các bộ phim như: “Hai người mẹ”, “Những tia nắng ấm”, “Con mắt bão”, “Em nữa là 12”, “Những người bạn”…  nghệ sỹ Bùi Thanh Lê đã gây bất ngờ khi “lấn sân” sang lĩnh vực viết kịch bản cho nghệ thuật tuồng. Cô được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đánh giá là cây bút trẻ đầy triển vọng. 

Diễn viên Bùi Thanh Lê "lấn sân" sang nghệ thuật tuồng ảnh 1

Thanh Lê trong bộ phim truyện “Em nữa là 12” của Điện ảnh Quân đội

Yêu sân khấu nhờ... đạo Mẫu

Cú rẽ đột ngột của Bùi Thanh Lê sang sân khấu truyền thống gây nhiều tò mò cho bạn bè, đồng nghiệp bởi lẽ, từ nhỏ đến lớn, Thanh Lê ít tiếp xúc và cũng ít quan tâm tới nghệ thuật cổ truyền. Thế nhưng, việc cô đến với tuồng bằng kịch bản “Nguyệt Hồ” và được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao lại trái ngược hoàn toàn với dự đoán của nhiều người.  

Hóa ra, lý do cô đến với tuồng, chèo hay cải lương cũng thật đặc biệt. Sinh ra là một đứa trẻ ốm yếu, ngay cả cho đến tuổi trưởng thành, hình ảnh những lần cấp cứu, những bức tường trắng toát ở bệnh viện vẫn không thôi đeo bám lấy cô gái trẻ.

Sau vài lần vượt qua lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, Thanh Lê bỗng có niềm tin đặc biệt vào đạo Mẫu. Những lần theo chân người thân đi xem hầu thánh đã như sợi dây liên kết, đưa cô đến với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Các làn điệu hát Văn mê đắm, quay cuồng trong các giá đồng đã tự nhiên đi vào lòng cô gái trẻ và cũng chẳng biết tự bao giờ, Thanh Lê bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc.

Cũng sẽ không khó hiểu khi Thanh Lê vừa được biết đến với tư cách là diễn viên truyền hình nhưng đồng thời cũng là cây bút đầy triển vọng của sân khấu. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, Thanh Lê có ý định sẽ đi lên từ những giá trị truyền thống nhưng cách tân và đổi mới để gần gũi với nhịp sống hiện đại. 

Hướng về văn hóa dân tộc

Với kịch bản tuồng “Nguyệt Hồ” sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thể nghiệm lần thứ III - năm 2016, Thanh Lê đã biến một tích truyện dân gian có ý răn dạy người đời thành một câu chuyện tình yêu xúc động. Đặc biệt, trong cách dàn dựng, cô sẽ kết hợp nghệ thuật tuồng và âm nhạc dân gian đương đại, múa đương đại, art film (một thể loại điện ảnh đang được thế giới quan tâm).

Thanh Lê chia sẻ: “Tôi lấy truyền thống làm nền tảng rồi phá cách, biến tấu để đem khoe với quốc tế sự tìm tòi, sáng tạo của riêng mình. Vốn cổ cha ông là nền móng vững chắc để các nghệ sỹ trẻ đứng trên đó và bước đi. Dù thể nghiệm đến đâu thì cuối cùng tôi cũng quay về với vốn văn hóa của cha ông”. 

Với tâm niệm nghệ sỹ là người phục vụ nhân dân, Thanh Lê không làm nghệ thuật đơn thuần, cô còn hướng về quê hương (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) với mong muốn phát triển văn hóa đọc tại quê nhà và dùng các loại hình ca múa để khích lệ các em nhỏ hăng say đọc sách. Trong những ngày cuối năm 2015, Thanh Lê đã vận động chính quyền địa phương và bà con chung tay xây dựng 2 tủ sách văn hóa nghệ thuật với số lượng lên tới 700 đầu sách. Việc làm này đã mở ra cơ hội tìm hiểu, trau dồi kiến thức và được người dân đón nhận. 

Thanh Lê tiết lộ: “Tiêu chí làm nghề và mục đích sống của tôi là phụng sự cộng đồng và hướng về dân tộc. Tôi viết kịch bản truyền thống, đóng phim, làm đạo diễn hay tạo nên các hoạt động văn hóa đều không nằm ngoài dòng chảy này. Nghệ sỹ trẻ giờ đây có nhiều lựa chọn hơn thế hệ trước, nhưng việc hướng về quê hương, về văn hóa truyền thống thì luôn được hoan nghênh”. 

Bùi Thanh Lê tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Cô tham gia đóng phim từ năm 14 tuổi và nổi lên với các vai nữ chính trong các bộ phim truyền hình. Sau một thời gian vắng bóng, năm 2016, cô sẽ trở lại với nghệ thuật bằng nhiều hoạt động. Vở tuồng “Nguyệt Hồ” tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thể nghiệm lần thứ III sẽ đánh dấu sự xuất hiện của cô trong lĩnh vực sân khấu.