Điện vẫn độc quyền

(ANTĐ) - Để giải thoát tận gốc tình trạng thiếu điện kinh niên vào mùa hè, mùa khô, vừa mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn đốc thúc, đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điện vẫn độc quyền

(ANTĐ) - Để giải thoát tận gốc tình trạng thiếu điện kinh niên vào mùa hè, mùa khô, vừa mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn đốc thúc, đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo Bộ Công thương và EVN, nhiều dự án chậm tiến độ là do thiếu nhân lực, thiếu thiết bị thi công và do vật liệu tăng cao. Sự thật có phải như vậy không hay chỉ là bề nổi của “tảng băng” độc quyền của ngành điện?

Trong bốn phân khúc chi phối toàn bộ ngành điện, Nhà nước độc quyền quản lý 3 phân khúc là truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Độc nhất khâu phát điện, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và khả năng thu hồi vốn chậm, thì được “mở cửa” chút ít.

Thế nhưng, mặc dù cả nước đang và sẽ còn “đói” điện dài dài, thì các nhà đầu tư độc lập ngoài “lãnh địa” của EVN rất khó lách qua cánh cửa chật hẹp này.

 Tập đoàn Đầu khí Việt Nam đi tiên phong mở cửa “độc quyền” xây dựng Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, một số dự án như tổ hợp khí-điện-đạm, hiện tập đoàn này chiếm hơn 15% của toàn bộ hệ thống điện.

Tiếp bước đầu tư vào lĩnh vực phát điện, còn có tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Lắp máy, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và tập đoàn tư nhân Tân Tạo. Song trên “lãnh thổ” EVN, số dự án ngoài ngành đi vào hoạt động vẫn lọt thỏm, chưa nổi hai chục cái.

Trong khi đó, 47 dự án tính đến năm 2015 hầu như vẫn “ngủ yên” hoặc triển khai lác đác, thì nguồn cung cấp điện “nuôi sống” cả nước vẫn chủ yếu dựa vào các nhà máy do EVN đầu tư, quản lý hoặc nắm cổ phần “đằng chuôi”.

Đã thế, trong kế hoạch phát triển nguồn điện năm 2006-2010, “ông” độc quyền này tham vọng đầu tư tiếp 23 cụm nhà máy điện với công suất 33.000MW. EVN đầu tư đến đâu thì đương nhiên “phần bánh” của các nhà đầu tư bên ngoài sẽ nhỏ bé tới đó.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng độc quyền điện, theo các chuyên gia kinh tế, chính là sự xung đột về lợi ích đầu tư và hành lang pháp lý còn nhiều bất hợp lý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư phải tham gia đấu thầu, thời gian từ khi đấu thầu đến lúc được cấp phép phê duyệt dự án “kéo cưa” vài năm cùng với vô vàn khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Chưa hết, điều trái khoáy là Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan phê duyệt dự án. Còn EVN thì lại độc quyền hầu hết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối và bán lẻ.

Thử hỏi còn ai len chân nổi trên một sân chơi thiếu công bằng như vậy? Nhà nước lại còn cho phép chỉ định thầu, trên thực tế nhiều nhà thầu được chỉ định lại không đủ năng lực, không thực hiện đúng tiến độ dự án.

Các nhà đầu tư lớn ngoài EVN thường “ngán” nhất khi hợp đồng mua bán điện với “ông” độc quyền này. Nếu không đàm phán suôn sẻ (thường phải mất ít nhất 2 năm) thì chưa thể khởi công dự án được.

Chính trong thời gian kéo dài này, nhiều kế hoạch về tài chính buộc phải điều chỉnh nhiều lần vì không còn phù hợp với thực tế và thị trường.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, quá trình chuẩn bị dự án và đàm phán còn kéo dài lê thê. Ví như Nhà máy điện Phú Mỹ 2 phải mất đứt 6 năm. Nhà máy Phú Mỹ 3 có nhanh hơn đôi chút cũng phải mất tới hơn 3 năm.

Độc quyền như thế thì đến bao giờ mới thoát khỏi tình trạng thiếu điện triền miên và lâu dài?                             

Đan Thanh