Diễn tiến tố tụng vụ án công ty tài chính ‘kiếm’ trên 4 tỷ đồng từ cho vay nặng lãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Hà Nội vừa có Quyết định kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 42 gày 24/7/2020 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Ninh xét xử nhóm bị cáo có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu lời bất chính hơn 4,6 tỷ đồng.

‘Kích hoạt’ 15 công ty cho vay lãi

Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 42, Trần Đình Quảng (31 tuổi) - Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH tư vấn hỗ trợ đầu tư Đại An, đứng ra thành lập 14 cơ sở cho vay tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Các đối tượng Quảng, Hải thời điểm mới bị bắt

Các đối tượng Quảng, Hải thời điểm mới bị bắt

Sau đó, Quảng và trợ thủ Phạm Văn Hải (SN 1983, quê quán Hải Hậu, Nam Định), đã thuê người quản lý tại các địa điểm cho vay, mỗi địa điểm có 1 người quản lý và trả công từ 6-9 triệu đồng/tháng, những người quản lý này sẽ trực tiếp cho vay tiền và thu tiền lãi.

Quảng giao cho Hải trực tiếp quản lý 8 cơ sở với nhiệm vụ chuyển tiền gốc, thu tiền lãi và trả công cho người quản lý trực tiếp tại các cơ sở do Phạm Văn Hy, Trần Mạnh Hùng Trần Văn Dương, Phạm Văn Toán, Định Quang Thắng, Nguyễn Quang Xứng, Nguyễn Văn Thực và Bùi Văn Thành là người quản lý. Các địa điểm còn lại Quảng thuê Dương Đắc Chuẩn, Nguyễn Xuân Điển, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Triệu, Trần Văn Khôi, Trần Văn Dương, Nguyễn Văn Thoan, Đỗ Văn Hùng quản lý và trả công từ 6-9 triệu đồng/tháng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, cơ quan tố tụng đã làm rõ mức lãi suất mà Quảng quy định là 8.000 đồng/triệu/ngày đối với người vay tiền thế chấp giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu... (tương đương với lãi suất 24%/tháng, 288%/năm) và 5.000 đồng/triệu/ngày đối với người vay tiền thế chấp tài sản như: xe máy, điện thoại di động, máy tính... (tương đương với lãi suất 15%/tháng, 180%/năm). Mức lãi suất cho vay trên gấp từ 9 đến 14 lần so với quy định của pháp luật.

Đến thời điểm bị phát hiện, các cơ sở do Quảng thành lập đã thu lợi bất chính hơn 4,6 tỷ đồng; trong đó 8 cơ sở do Hải trực tiếp quản lý từ tháng 1-2018 đến ngày 2-1-2019 thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Hải và Quảng cùng chung vốn để cho vay tại cơ sở do Dương Đức Chuẩn là người quản lý (cơ sở này giấy phép kinh doanh mang tên Phạm Văn Hải) và thu lợi bất chính gần 586 triệu đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 42 ngày 24/7/020 của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên bố các bị cáo Phạm Văn Hải, Phạm Văn Hy, Phạm Văn Toán, Nguyễn Xuân Điển, Trần Văn Dương, Nguyễn Văn Trường, Trần Mạnh Hùng và 12 bị cáo khác phạm “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn Hải 13 tháng tù; bị cáo Phạm Văn Hy 12 tháng tù; bị cáo Phạm Văn Toán 10 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân Điển 10 tháng tù. Các bị cáo: Trần Văn Dương, Nguyễn Văn Trường, Trần Mạnh Hùng, bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng.

Cần áp dụng mức hình phạt tương xứng hành vi phạm tội

Theo VKSND cấp cao tại Hà Nội, xét tính chất mức độ hành vi phạm tội và vai trò đồng phạm của các bị cáo thì bị cáo Quảng có vai trò cao nhất, sau đó đến bị cáo Hải, tiếp theo là các bị cáo Hy, Toán, Điển, Hùng và Trường.

Cơ quan tố tụng khám xét địa điểm trong đường dây cho vay lãi nặng

Cơ quan tố tụng khám xét địa điểm trong đường dây cho vay lãi nặng

VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng mức án tại Bản án hình sự sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo Phạm Văn Hải, Phạm Văn Hy, Phạm Văn Toán, Nguyên Xuân Điển, Trần Văn Dương là nhẹ so với hành vi phạm tội và vai trò của các bị cáo. Các bị cáo đều trực tiếp quản lý cơ sở cho vay và thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” đối với bị cáo Phạm Văn Hy, trong khi bị cáo này chỉ được Hội chữ thập đỏ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tặng Bằng ghi nhận tấm lòng vàng, là chưa chính xác và không đúng hướng dẫn tại mục 5 Nghị quyết số 01 ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bị cáo Phạm Văn Hy được bị cáo Trần Đình Quảng và Phạm Văn Hải thuê trực tiếp quản lý cơ sở cho vay ở thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và cùng Nguyễn Văn Thực quản lý cơ sở khác thôn Giang Liễu. Cả hai cơ sở cho vay này đều thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng, trong đó cơ sở cho vay do Hy quản lý thu lợi bất chính đặc biệt lớn là hơn 800 triệu đồng.

Bị cáo Trần Đình Quảng thuê bị cáo Trần Văn Dương cùng Nguyễn Văn Triệu và Trần Văn Khôi quản lý cơ sở cho vay tại thôn Do Nha, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; bị cáo Dương được hưởng tiền công là 9 triệu đồng (cao nhất so với Khôi và Triệu) và thu lợi bất chính hơn 140 triệu đồng.

Ngoài ra, bị cáo Dương còn trực tiếp quản lý cơ sở cho vay ở thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh do bị cáo Phạm Văn Hải thuê và thu lời bất chính hơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên” đối với bị cáo Phạm Văn Hy và Trần Văn Dương là thiếu sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quyết định hình phạt và cho bị cáo Dương hưởng án treo là không đúng pháp luật.

Đối với hai bị cáo Nguyễn Văn Trường và Trần Mạnh Hùng, Tòa cấp sơ thẩm áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên trong Bản án không nêu cụ thể tình tiết giảm nhẹ, mà kết quả điều tra xác định bị cáo Trường cho 1.188 lượt người vay với số tiền gần 3 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 410 triệu đồng; bị cáo Hùng cho 447 lượt người vay với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, thu lời hơn 253 triệu đồng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho 2 bị cáo được hưởng án treo là chưa nghiêm, không không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Vì các lẽ trên, VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 42 gày 24/7/2020 của TAND tỉnh Bắc Ninh, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Phạm tội 2 lần trở lên” đối với các bị cáo Phạm Văn Hy và Trần Văn Dương.

Không áp dụng tình giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” đối với cáo Phạm Văn Hy; đồng thời tăng hình phạt đối với bị cáo Phạm Văn Hải, Phạm Văn Hy, Phạm Văn Toán, Nguyễn Xuân Điển, Trần Văn Dương và không cho bị cáo Nguyễn Văn Trường, Trần Mạnh Hùng và Trần Văn Dương được hưởng án treo.

Như ANTĐ thông tin, tháng 1-2019, sau thời gian lập chuyên án đấu tranh, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt xóa 15 điểm có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, xác định số tiền giao dịch hàng tỷ đồng.

Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện Công ty TNHH tư vấn hỗ trợ đầu tư Đại An (trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Trần Đình Quảng (31 tuổi, quê quán Hải Hậu, tỉnh Nam Định) làm Giám đốc, đã thành lập 15 chi nhánh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi bằng hình thức cầm đồ hoặc cầm giấy tờ với lãi suất từ 5.000đ đến 8.000đ/1 triệu tiền vay/ngày.

Nếu người vay trả lãi, gốc không đúng kỳ hạn sẽ bị các đối tượng cho người đến đòi nợ trái pháp luật. Quá trình khám xét 15 chi nhánh trên, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu 37 sổ ghi chép vay nợ, hơn 2600 bộ hồ sơ cho vay với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, hơn 500 triệu đồng tiền mặt và nhiều tang vật liên quan.

Quá trình điều tra, Công an Bắc Ninh đã khởi tố bị can đối với 16 đối tượng.