Điện thoại thông minh hủy hoại chân tình

ANTD.VN - Đó là lần đầu tiên sau hơn một năm ra trường, nhóm 8 bạn chơi thân lớp đại học của chúng tôi mới hẹn gặp nhau. Món lẩu riêu cua bắp bò vừa được quán bưng ra, 8 cái điện thoại đồng thời giơ lên chụp ảnh …

Giao tiếp thời đại công nghệ khiến cho nhiều mối quan hệ trở nên nguội lạnh (Ảnh minh họa)

Tính trung bình, mỗi người chúng tôi đã lúi húi dùng qua 3 phần mềm mới có một tấm ảnh hoặc một clip vừa ý để kịp thời tung lên Facebook, gắn tên nhau và hớn hở “câu” lượt thích. Chúng tôi quên khuấy mất đã vô tình để thiết bị công nghệ can thiệp quá sâu vào việc giao tiếp của mình.

Không còn mặt đối mặt

Tối nào cũng vậy, ngón tay trỏ lướt lướt Facebook, chẳng hiếm để tôi gặp được một dòng trạng thái với nội dung: “Like status này nếu bạn muốn trong mối quan hệ với tôi” hoặc “Thả tim nếu muốn tôi nhắn cho bạn suy nghĩ của tôi về bạn”… Chưa bao giờ con người có thể kết nối với nhau, tìm hiểu nhau đơn giản và nhanh chóng như thế.

Và cũng chưa bao giờ, cuộc sống lại tiềm tàng nhiều sự nghi ngờ, hời hợt đến vậy. Điện thoại di động ngày càng được cải tiến để thông minh hơn, những ứng dụng hay được tải về máy liên tục được nâng cấp, đôi khi, sự hay ho và tiện ích của nó hệt như một cám dỗ.

Một điều không quá mới lạ, giao tiếp bằng cách trò chuyện trực diện ngày càng bị chối bỏ. Tôi từng hỏi một người: “Vì sao không gặp nói trực tiếp hay gọi điện thoại cho nhanh mà lại nhắn tin qua Zalo?”, người đó thở dài: “Vì viết sẽ đỡ điêu hơn. Có những chuyện nếu dùng lời thì chỉ cần nghe giọng nói, người ta dễ dàng nhận ra mình đang lúng túng”.

Hiệp hội Mobile Marketing toàn cầu (MMA) từng đưa ra con số Việt Nam có 24 triệu người lướt Facebook bằng điện thoại di động và bình quân mỗi người sử dụng điện thoại khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6,5 phút. Điện thoại thông minh có nguy cơ làm cho cách giao tiếp truyền thống rạn nứt và bị phá vỡ. Song song với những lợi ích, luôn những hậu quả khôn lường nếu người dùng lạm dụng thiết bị công nghệ.

Dẫu biết sự giao tiếp khi mặt đối mặt, bằng mắt và bằng lời mới là chất keo gắn kết tình cảm, song nhiều người vẫn nhất quyết chọn giao tiếp qua mạng vì… không tự tin. Họ sợ nhỡ nói trực tiếp sẽ vụng về, hồi hộp nói lắp, hoặc bị người khác nhìn ra điểm yếu rồi cười nhạo hay đánh giá. 

Thư điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động rút ngắn thời gian tìm cách liên lạc, nối gần những luồng thông tin nhưng vô tình khiến tâm hồn con người trở nên xa cách. Phải chăng, nếu không đổ lỗi cho sự tiện nghi đó, thì nguyên nhân là do ngay từ đầu mỗi người đã tự khép lòng với các mối quan hệ xã hội?

Đừng hụt hẫng với đời thực

Sau cánh cửa, trong mỗi ngôi nhà lại đang dâng lên một nỗi lo khi con trẻ không muốn chơi đồ chơi, không muốn kể chuyện ở lớp với bố mẹ mà chỉ đòi chơi game trên iPhone, iPad. Hàng ngày, hàng loạt những câu chuyện dở khóc dở cười được chia sẻ rầm rộ trên mạng với nội dung “theo dõi chồng bằng phần mềm điện thoại”, “cách định vị, kiểm soát chồng”, “những cách theo dõi chồng miễn phí mà hiệu quả”… thành ra đoán mò và cãi vã lại càng tăng cao.

Trong khi duy trì hạnh phúc gia đình cần yêu thương, đỡ đần cho nhau, đối thoại trực tiếp và không làm nhau mệt mỏi. Nên có những cặp vợ chồng cả ngày chẳng nghe được một câu của nhau nhưng nhấn like “điểm danh” đầy đủ trên Facebook.

Sau vài lần thất vọng vì tin vào những người dùng nick ảo hoặc dùng nick thật nhưng phần giới thiệu ghi linh tinh cho vui để giao tiếp với mình, tôi học được cách tỉnh táo để biết đối tượng giao tiếp với mình thật sự là ai, đến từ đâu.

Suy cho cùng, bất cứ ai đang nghiện smartphone (điện thoại thông minh) không thể hoàn toàn đổ lỗi cho công nghệ mà nên hiểu rõ bản thân đang quá lệ thuộc, ỷ lại vào sự tiện lợi và chưa biết kiểm soát tốt việc sử dụng công nghệ của bản thân. Các mối quan hệ và tình cảm cộng đồng không thể “ăn xổi ở thì”, nó luôn cần có một quá trình duy trì sự tương tác, quan tâm, cậy nhờ và cảm thông… ở thực tế.

Rõ ràng, có những người trò chuyện trên mạng vô cùng thân thiết, bày tỏ xúc động ngút trời nhưng gặp ở ngoài thì lướt qua ta như chưa từng quen; có những người khiến ta ngỡ ngàng bởi ngồi quán cà phê viết về cha mẹ hàng nghìn chữ kèm theo những ảnh thư pháp, ảnh thuở nhỏ bé thơ nhưng chưa giúp mẹ quét nhà, nấu cơm một lần.

Tôi đang tập thói quen, sau giờ tan làm thu xếp 2 buổi một tuần gặp gỡ bạn bè hoặc chủ động nói một lời hẹn gặp người giỏi chuyên môn hơn mình để học hỏi. Vì những vấn đề của bản thân chỉ cần mỗi sáng thức dậy, nó sẽ ập tới đòi hỏi tôi phải đối mặt, nếu tiếp tục mang nó lên mạng xã hội thì cũng không ai đối mặt hộ tôi.

Chỉ những người thực sự dành cho nhau sự quý trọng tìm đến ngồi bên cạnh nhau khi có chuyện, đặt điện thoại sang một bên và lắng nghe đủ cả đúng sai vui buồn. Đồng thời, ai cũng có những điều riêng tư phải tự giữ cho mình, những tấm ảnh lung linh “sống ảo”, có lẽ tôi nên giữ cho mình nhiều hơn.

Với những người tôi đang dõi theo trên Facebook vì quá thú vị, tôi mong muốn họ không quá ghi nhớ làn da của tôi được xóa hết mụn và không còn rõ nét mặt bởi phần mềm 360 độ, tôi bắt đầu dùng những tấm ảnh thật và mong chờ khi gặp gỡ, họ sẽ nhìn thấy nét mặt giản dị, sinh động và một tấm lòng niềm nở.