Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?

ANTĐ - Nga và Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động trao đổi nghiệp vụ và tập trận hải quân liên hợp. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay, hai bên sẽ tiến hành cuộc tập trận “Tương tác biển 2014" (Naval Interaction-2014) tại khu vực biển Hoa Đông. 

Kế hoạch của cuộc diễn tập này đã được công bố tại Bắc Kinh cuối năm ngoái sau khi kết thúc cuộc tham vấn quân sự Nga-Trung. Cũng giống như cuộc diễn tập năm ngoái, “Tương tác biển 2014" sẽ được tổ chức tại khu vực lãnh hải và không phận phía bắc biển Hoa Đông. Đây cũng là cuộc tập trận hải quân thứ hai giữa Nga và Trung Quốc trong năm 2014 và có thể chưa phải là lần cuối trong năm.

"Tương tác biển-2014" là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga và Trung Quốc tăng cường sẵn sàng chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Chuyên gia quân sự Igor Korotchenko tuyên bố với đài "Tiếng nói nước Nga" là cuộc tập trận ở biển Hoa Đông sẽ tập trung rèn luyện kỹ năng và kiến thức cần thiết của quân nhân của hạm đội hai nước.

Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?  ảnh 1
Nga và Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động hợp tác quân sự

Ông nhấn mạnh, cuộc diễn tập lần này sẽ tổ chức bắn pháo vào các mục tiêu trên không và trên biển, tiến hành hoạt động bảo vệ cơ sở thông tin liên lạc hàng hải. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh có những vấn đề mâu thuẫn địa chính trị khu vực chưa được giải quyết. Nhất là khi xu hướng sử dụng lực lượng quân sự để gây áp lực chính trị lên các quốc gia khác đang ngày càng gia tăng.

Cuộc tập trận "Tương tác biển-2014" phản ánh sự sẵn sàng của Nga và Trung Quốc nhằm phát triển hợp tác toàn diện trong lĩnh vực quân sự. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Xã hội Nga Vladimir Yevseyev nhận xét: “Đây sẽ là một cuộc tập trận toàn diện và là lời khẳng định rằng Nga và Trung Quốc đang phát triển quan hệ đối tác chiến lược”.

Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?  ảnh 2
Tuần dương hạm Varyag (011) - Kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tham gia diễn tập Naval Interaction-2013


Vị chuyên gia này cho biết, đối với Nga, Trung Quốc là hướng ưu tiên phát triển hợp tác quốc phòng. Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây đang ngày càng xấu đi, Nga có thể tiến xa hơn nữa để cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Các nước phương Tây và Nhật Bản sẽ lên tiếng về cuộc tập trận này nhưng chủ yếu, đây là tín hiệu mà Nga dành cho là Hoa Kỳ.

Ông Litovkin nói: “Phương Tây sẽ không thích chuyện lực lượng hải quân của Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Thật nực cười là một số quốc gia nước ngoài tự cho mình “quyền được trở thành cường quốc” và không muốn nước khác trở nên hùng mạnh. Trong khi đó, trao đổi kinh nghiệm giữa thủy thủ Nga và Trung Quốc luôn luôn mang lại lợi ích cho nhau”. 

Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?  ảnh 3
Tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn “Nguyên soái Saposnikov” (Saposnikov Marshal - 543) của Nga tham gia diễn tập Naval Interaction-2013


Ông Viktor Litovkin dự đoán rằng cũng như trước đây, các phương tiện truyền thông Nhật Bản và các nước phương Tây sẽ bóng gió rằng qua cuộc tập trận này Nga và Trung Quốc đang cố gắng luyện tập một số kịch bản bảo vệ các hòn đảo tranh chấp. Vị chuyên gia này khẳng định rằng Nga và Trung Quốc không hề tổ chức các cuộc diễn tập với tưởng định như vậy.

Ông Konstantin Sokolov, Phó Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị cho rằng cuộc tập trận Nga - Trung sẽ là câu trả lời cho cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên Key Resolve và Foal Eagle (24/02 đến 18/4), mô phỏng một kịch bản từ trước đến nay chưa từng có là tấn công Bình Nhưỡng. Vì vậy, cuộc diễn tập liên hợp Nga-Trung lần này sẽ có một kịch bản mạnh mẽ hơn so với những năm trước.

Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?  ảnh 4

Hai tàu khu trục tên lửa Type 051C của Trung Quốc là Thẩm Dương (115) và Thạch Gia Trang (116) của Trung Quốc tham gia diễn tập Naval Interaction-2013

Các chuyên gia lưu ý đến thực tế là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặc biệt chú trọng và đánh giá cao sự phối hợp hành động của hải quân hai nước trong các hoạt động quân sự chung như sự phối hợp trong hộ tống vũ khí hóa học từ Syria đến nơi tiêu hủy và thực hiện cuộc tập trận chung đầu tiên ở Địa Trung Hải.

Tham gia cuộc diễn tập “Naval Interaction-2013”, diễn ra vào đầu tháng 7 năm ngoái, hải quân Trung Quốc đã điều động hàng loạt chiến hạm hiện đại như: Tàu khu trục tên lửa Type 051C Thẩm Dương (115), Thạch Gia Trang (116); tàu khu trục tên lửa Type 052B Vũ Hán (169); tàu khu trục tên lửa Type 052C Lan Châu (170); tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Yên Đài (538), Diêm Thành (546) và tàu tiếp tế Hồng Trạch Hồ (881).

Diễn tập "Naval Interaction 2014" thắt chặt "mối tình Nga-Trung"?  ảnh 5

Tàu hộ vệ tên lửa lớp 054A Diêm Thành (546) của Trung Quốc tham gia diễn tập Naval Interaction-2013


Còn biên đội tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga gồm có: Tuần dương hạm, kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Varyag (011), tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn “Nguyên soái Saposnikov” (Saposnikov Marshal - 543), tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn “Đô đốc Vinogradov” (Admiral Vinogradov - 572), tàu khu trục tên lửa Bystryy (715) và 2 tàu cao tốc tên lửa Project 12411 (Tarantul-III) mang số hiệu 940 (R-11) và 924 (R-14).