Điện sắp tăng giá, xăng nhấp nhổm “đòi” theo

ANTĐ - Đến thời điểm công bố điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, người dân không khỏi lo lắng khi phía doanh nghiệp xăng dầu cho biết, họ đang lỗ đến gần 1.000 đồng/lít. Giá điện vừa có quyết định tăng, nếu giá xăng cũng nhích lên thì tác động tới tâm lý tiêu dùng sẽ vô cùng lớn.

Điện sắp tăng giá, xăng nhấp nhổm “đòi” theo ảnh 1Xăng và điện cùng tăng giá sẽ tác động tới tâm lý tiêu dùng

Khó giữ giá ổn định

Theo một đầu mối kinh doanh xăng dầu, với xăng RON A92, doanh nghiệp đang lỗ hơn 900 đồng/lít. Với dầu diezel, mức lỗ khoảng 300 đồng/lít. Nguyên nhân là do giá dầu thế giới đã tăng trong 2 tuần qua, từ 24-2 đến 10-3-2015. Cụ thể, tính đến ngày 10-3, giá dầu WTI giao dịch ở mức 50 USD/thùng. Giá xăng dầu thành phẩm Ron A 97 cập cảng ở mức 78.16 USD/thùng; xăng Ron A95 có giá 75.96 USD/thùng, còn xăng ron A 92 là 72.68 USD/thùng.

Như vậy, nếu tính theo chu kỳ tính giá bình quân 15 ngày, giá cơ sở mặt hàng xăng RON A92 đang cao hơn giá bán lẻ 964 đồng/lít. Đáng chú ý, mặt hàng xăng, dầu hiện đang được xả quỹ bình ổn từ 1.350 - 2.448 đồng/lít (kg) từ ngày 24-12. Doanh nghiệp đầu mối này cũng cho biết, nếu giữ nguyên mức sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện tại thì dự kiến, đến cuối tháng 3, quỹ này sẽ cạn kiệt. “Rất khó để giữ giá xăng dầu ổn định như 2 kỳ điều hành vừa qua” - đại diện doanh nghiệp xăng dầu nói. Cũng theo vị này, mức điều chỉnh giá được dự báo sẽ ở mức 1.000 đồng/lít. 

Từ ngày 16-3 tới đây, giá điện sẽ tăng thêm trung bình 7,5%. Hai mặt hàng quan trọng nếu được phép tăng giá trong cùng một thời điểm sẽ gây tác động tâm lý lớn. Chị Vũ Vân Anh (Văn Cao - Ba Đình - Hà Nội) than thở: “Các thành viên trong gia đình tôi tiêu dùng xăng và điện chỉ ở mức bình thường. Nhưng nếu cộng lại, 3 thành viên sử dụng xe máy, cả gia đình sử dụng điện, mỗi tháng chúng tôi phải chi thêm một khoản không nhỏ nên chắc tôi phải lên kế hoạch tiết kiệm hơn nữa”. 

Theo tính toán của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nếu giá điện tăng lên thì chi phí của doanh nghiệp cũng “đội” lên 1-2% nữa. “Trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh với hàng từ nước ngoài thì tăng giá khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, nếu giá xăng tăng, chi phí vận tải cũng sẽ tăng, càng làm khó doanh nghiệp” - vị đại diện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cho hay. 

Sẽ điều hành giá hợp lý?

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ kéo theo giá bán lẻ trong nước tăng, vì 70% xăng dầu của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào thì Nhà nước sẽ có phương án hợp lý. “Khi điều hành giá xăng, cơ quan quản lý luôn tính toán cân bằng lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do vậy, khi giá điện đã có quyết định tăng từ 16-3, doanh nghiệp xăng dầu lại đang lỗ, nhiều khả năng phương án điều hành xăng dầu sẽ nghiêng về giảm phần thu quỹ bình ổn; bớt phần thu ngân sách thông qua thuế và tăng giá hợp lý”- ông Phạm Minh Thụy phân tích.

Một vị chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, cần lưu ý lạm phát tâm lý, bởi người dân chỉ chú trọng đến thông tin tăng giá bao nhiêu, tăng như thế nào, ít để ý đến thời điểm. Khi sức mua chỉ tăng hơn 3% trong 2 tháng qua, trước thông tin tăng giá điện, có thể tăng giá xăng dầu, người dân càng tiết kiệm chi tiêu. Khi đó, tồn kho của doanh nghiệp càng lớn. Tăng giá do tâm lý không dễ đối phó bởi trên thực tế, trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều  “té nước theo mưa”. 

Bình luận về mức dự báo tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít, một chuyên gia kinh tế cho hay, đây vẫn là mức chấp nhận được vì so với hơn nửa năm trước, giá xăng có tăng thêm như vậy vẫn là thấp, nhất là trong dài hạn. Theo chuyên gia này, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu tăng 3 lần nhưng động thái giảm thuế nhập khẩu có thể giúp bù trừ cho nhau để ổn định giá xăng.