Điện lực dầu khí Cà Mau và nỗi lo thiếu nguyên liệu cận kề

ANTD.VN - Nửa năm 2019, sản lượng điện của Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau (PV Power Ca Mau) đã đạt 4,13 tỷ kWh, tương đương 6.100 tỷ đồng doanh thu... Nhưng đơn vị sản xuất điện năng này sẽ sớm lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn về nguyên liệu sản xuất nếu không kịp thời được tháo gỡ.   

Nguy cơ thiếu hụt nguồn khí cận kề

Cụm công nghiệp khí điện đạm (CCN KĐĐ) Cà Mau xây dựng tại xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai tại quyết định số 776/QĐ-TTg, ngày 26-6-2001 với diện tích quy hoạch hơn 200 ha, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD. Cụm  công nghiệp (CCN) bao gồm: công trình đường ống dẫn khí PM3; công trình Nhà máy điện Cà Mau; công trình Nhà máy đạm Cà Mau và hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ.

Đây là một trong những công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên được khai thác từ vùng biển chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam để làm nhiên liệu cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 phát điện, đồng thời dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy đạm Cà Mau để chế biến các sản phẩm phân bón, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của đất nước nhằm bảo đảm ổn định nguồn phân bón cho phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.

Nhà máy Nhiệt điện dầu khí Cà Mau 1&2.

Từ năm 2007 đến nay, nguồn khí cung cấp cho CCN nêu trên bao gồm lượng khí theo quyền nhận của Petrovietnam và lượng khí nhận bù từ Petronas. Dự kiến từ cuối tháng 9-2019, sau khi phía Việt Nam lấy hết lượng khí nhận bù từ Petronas, CCN KĐĐ Cà Mau chỉ còn được cung cấp lượng khí theo quyền nhận của phía Việt Nam.

Vì vậy, nếu không có nguồn khí bổ sung từ Malaysia thì nguồn cung khí cho khu vực Cà Mau sẽ sụt giảm khoảng hơn một tỷ m3/năm so với nhu cầu tối đa của khu vực này là 2,26 tỷ m3/năm.

Theo một số chuyên gia, trong mọi trường hợp, với khoảng một tỷ m3/năm không đủ để vận hành Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, dẫn đến thiếu điện khu vực miền nam. Đồng thời, Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP) khi ấy phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trong khi ấy, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, việc thiếu lượng khí đầu vào không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của toàn bộ CCN KĐĐ, không bảo đảm an ninh năng lượng mà còn tác động bất lợi đến môi trường đầu tư tại tỉnh.

Bởi hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Khánh An, nằm giáp ranh với CCN KĐĐ. Trong đó, có ngành nghề công nghiệp hóa lỏng khí tự nhiên, công nghiệp sau khí và có một số nhà đầu tư quan tâm đã đến tìm hiểu, khảo sát.

Và theo vị lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau này, bên cạnh việc giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 1.500 người trong và ngoài tỉnh thì mỗi năm, CCN KĐĐ Cà Mau còn đóng góp ngân sách từ 1.300-1.800 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng nguồn thu ngân sách của địa phương.

Cần cả giải pháp cấp bách và lâu dài

Làm việc với một số cơ quan báo chí mới đây, ông Đặng Quốc Trịnh – Phó Giám đốc PV Power Ca Mau cho biết, từ ngày thành lập đến hết tháng 6-2019, PV Power Ca Mau đã trên 11 năm liên tục về đích trước kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.  PV Power Ca Mau đã hòa lưới điện quốc gia với tổng sản lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên 86 tỷ kWh.

Nếu không được bổ sung nguồn khí kịp thời, PV Power Ca Mau sẽ rơi vào tình trạng cầm chừng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng điện của PV Power Ca Mau đạt 4,13 tỷ kWh (đạt 115% kế hoạch), tương đương tổng doanh thu 6.100 tỷ đồng (vượt 23% kế hoạch). Quý II-2019, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 sẽ thường xuyên được EVN/A0 huy động vận hành 4 tổ máy bằng nhiên liệu khí và chuyển đổi 1 tổ máy nhiên liệu từ khí sang dầ với sản lượng điện 198 triệu kWh.

Theo vị lãnh đạo PV Power Ca Mau này, trong 6 tháng cuối năm 2019, PV Power Ca Mau dự kiến đạt 3,48 tỷ kWh, tương ứng với lượng khí cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 là 700 triệu m3 và doanh thu ước đạt 4.750 tỷ đồng. Nâng tổng sản lượng điện trong cả năm lên 7,62 tỷ kWh và doanh thu là 10.850 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đặng Quốc Trịnh cũng cho biết, doanh nghiệp hiện đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc rất lớn và cần có sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng cũng như Bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, dự kiến đến hết tháng 9-2019, thời hạn nhường khí của Petronas (Malaysia) cho phía Việt Nam đã hết hạn.

Khi đó, lượng khí còn lại cho 2 Nhà máy điện Cà Mau, Nhà máy đạm và Nhà máy khí hóa lỏng chỉ còn là 2,9 triệu m3/ngày. Còn hiện tại đang là 6,2 triệu m3/ngày. Như vậy là 2 Nhà máy điện Cà Mau sẽ thiếu hụt lượng khí khoảng 3,3 triệu m3/ngày nếu không mua khí bổ sung từ Petronas.

Ngoài ra, liên quan đến công tác chuyển đổi giá điện và Hợp đồng mua bán điện (PPA) của Nhà máy điện Cà Mau 1&2 cũng sẽ phải chuyển sang Hợp đồng dạng sai khác để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Hiện tại, Bộ Công thương đã chấp thuận phương án chuyển ngang giá khí mua bổ sung trên cơ sở Hợp đồng PPA theo đề của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, nhằm bảo đảm nguồn cung khí đáp ứng nhu cầu CCN KĐĐ Cà Mau và một số dự án đầu tư khác, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm tìm kiếm các giải pháp bổ sung nguồn khí ổn định và lâu dài để phát triển tổ hợp hóa dầu tại CCN KĐĐ Cà Mau.

Trong đó, các giải pháp như: phát triển các mỏ nhỏ, cận biên tại khu vực Tây Nam Bộ, phát triển khí Lô B, nhập khẩu khí LNG và nhập khẩu khí từ Malaysia qua hạ tầng đường ống dẫn khí hiện hữu cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, các nguồn cung khí tại các mỏ nhỏ khu vực Tây Nam Bộ, Lô B và nhập khẩu LNG đều có tiến độ cung cấp sau thời điểm cân bằng khí như nêu ở trên từ 2-3 năm và khí Lô B chưa vào kịp.

Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt nguồn khí tại khu vực Cà Mau hiện nay có lẽ chỉ là phương án mua khí của Petronas thông qua hạ tầng vận chuyển hiện hữu. Bởi giải pháp này sẽ giải quyết ngay tình hình thiếu hụt khí và cũng không phải bỏ thêm tiền đầu tư hạ tầng.