Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo đang rộ lên

“Diễn kịch” bắt cóc qua điện thoại

ANTĐ - Chiều 13-11, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội đã thông báo thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng điện thoại thông qua mạng internet, để đe dọa hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Trung tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội cho biết, gần đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi. Bọn tội phạm thông qua mạng internet, gọi điện thoại đến các số máy cố định của nhà riêng, hoặc cơ quan của người bị hại để đe dọa bằng cách cho nghe tiếng “kêu cứu”, giả giọng thân nhân của gia đình như (vợ, chồng, con…) của người bị hại với nội dung thân nhân của họ đã bị bắt cóc, bị tra khảo, đánh đập và có thể sẽ bị giết… nếu như người thân của “nạn nhân vụ bắt cóc” không nhanh chóng chuyển tiền cho chúng qua tài khoản ở các ngân hàng. Càng chậm chuyển tiền thì tính mạng người thân của bị hại càng bị đe dọa. Nhiều gia đình sau khi nghe những thông tin nêu trên, đã tin ngay người thân của họ bị bắt giữ, khống chế, đang gặp nguy hiểm và thực hiện theo yêu cầu của những kẻ chưa một lần biết mặt.

10h ngày 28-10, ông Nguyễn Văn K, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được điện thoại từ số máy lạ gọi với nội dung có một tổ chức đang bắt giữ con trai ông K vì nợ họ số tiền 120 triệu đồng. Sau đó, ông K được nghe giọng nói của một nam thanh niên tự xưng là con trai mình, người này khóc lóc và kể lể bị bọn người lạ đánh đập dã man, và ông phải gửi tiền cho chúng bởi tính mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ông K nói với người lạ chỉ có 50 triệu đồng và bị chúng ép phải chuyển ngay vào tài khoản mang tên Phan Thanh Ngọc, của một ngân hàng có chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long. Những kẻ giấu mặt bắt ông K liên tục phải liên lạc với chúng, nhằm mục đích để người bị hại không có thời gian xác minh thông tin và báo cho các cơ quan chức năng biết để đối phó. Trớ trêu thay, sau khi vừa gửi tiền vào tài khoản trên, ông K đã liên lạc được với con trai mới hay chẳng có ai bắt cóc con mình.

Ngày 5-11, ông Trần Phi V, một công dân ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. 8h20 sáng hôm đó, ông V nhận được điện thoại của một nam thanh niên và lầm tưởng đó là con rể mình gọi vào máy cố định ở nhà riêng. Nội dung cuộc điện thoại thể hiện con rể ông V nợ 300 triệu đồng của một nhóm người và chưa có tiền trả nên đang bị bắt giữ. Nếu gia đình không nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản cho chúng, con rể ông V sẽ bị giết. Theo yêu cầu của nhóm người lạ, ông V phải cung cấp số điện thoại di động cho chúng và không được liên hệ với bất cứ ai khác, nếu không ông V sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt con rể của mình nữa. Tưởng con rể đang gặp nguy hiểm thật, ông V răm rắp làm theo lời chúng và chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của một ngân hàng ở Hà Nội. Xong việc, ông V liên lạc với con rể mới biết bị lừa.

Một ngày sau khi xảy ra vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Ng, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cũng nhận được điện thoại từ số máy cố định của gia đình và nghe được giọng nói của một nam thanh niên vừa khóc vừa xưng là D, cháu gọi bà Ng bằng bác. D nói vì vay tiền của người ta, nên đang bị bắt giữ và bị đánh đập. D xin các bác cứu giúp, nếu không sẽ bị giết chết. Bà Ng chưa tin, đã để cho chồng nghe điện thoại và người thanh niên cũng nói lại nội dung tương tự. Sau đó, vợ chồng bà Ng được một nam thanh niên khác gọi điện thoại và nói cháu ông bà đang vay người này số tiền 300 triệu đồng và quá hạn 2 tháng không trả nên bị bắt. Nếu gia đình không nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản, D sẽ bị giết. Chồng bà Ng bán tín bán nghi đã “câu giờ” bằng cách vờ nhận chuyển tiền, nhưng thương lượng chỉ có 100 triệu đồng nhằm kéo dài thời gian và liên lạc với anh D, cháu của họ. Sau khi biết anh D không bị ai bắt giữ, gia đình bà Ng liên lạc lại với số điện thoại vừa gọi đe dọa họ thì đối tượng đã tắt máy.

“Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, thông qua mạng internet để gọi vào các số máy cố định và di động của người bị hại, nên rất khó xác định vị trí cuộc gọi từ đâu tới”- Trung tá Ngô Minh An cho biết. Ngoài ra  cũng trong ngày 5-11, bọn tội phạm đã liên lạc với chị Trần Thu Th, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và giả giọng H, con trai chị Th nhờ cứu giúp với lý do đang bị bắt cóc, đánh đập vì trót vay nặng lãi 300 triệu đồng của một nhóm người. Nếu gia đình không trả tiền thay cho con trai, H sẽ bị giết. Chị Th thương thuyết gia đình chỉ có 100 triệu đồng và được chúng chấp nhận, nhưng hối thúc phải chuyển thật nhanh. Tuy nhiên, chị Th giao hẹn trước khi chuyển khoản phải được nghe giọng nói của con trai nhưng không được chấp nhận. Đúng lúc này, gia đình chị Th đã liên lạc được với con trai và biết gặp phải bọn lừa đảo. Cũng trong ngày 5-11, chị Đặng Thị Kim O, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng nhận được điện thoại với nội dung con trai bị bắt cóc vì nợ 300 triệu đồng. Chị O đã bí mật nhắn tin cho người nhà kiểm tra và biết con trai đang ở trường học đã báo cho lực lượng Công an biết. 

Các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn nêu trên đang được lực lượng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tập trung điều tra làm rõ. Để phòng ngừa không xảy ra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân đề cao cảnh giác với tội phạm thông qua mạng internet để gây án. Công an các đơn vị ở cơ sở cần tuyên truyền, phổ biến kỹ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nắm vững, nâng cao ý thức cảnh giác. Mọi thông tin liên quan đến tội phạm, đề nghị báo ngay cho Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội (ĐC; 87 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; ĐT: 0.977.556.666 - gặp Trung tá Ngô Minh An).