Diễn giải của Trung Quốc nhằm che đậy toan tính nguy hiểm ở Biển Đông

ANTD.VN - Trung Quốc cho đến nay vẫn viện dẫn những điều gọi là “quyền lịch sử” hay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo mà họ chiếm đóng trái phép… làm căn cứ đòi chủ quyền theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Song, một lần nữa, những yêu sách này đã bị những luận cứ khoa học, căn cứ pháp lý quốc tế không thể chối bỏ vạch trần.

Hàng trăm đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo khoa học về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực”

Hơn 300 diễn giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý… đến từ hơn 20 quốc gia cùng đại diện hơn 30 cơ quan ngoại giao tại Hà Nội đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra tại Hà Nội trong ngày 6 và 7-11 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS) tổ chức.

Hướng tới mục tiêu chuỗi Hội thảo quốc tế biển Đông trở thành một diễn đàn bán chính thức hàng đầu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển, Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11 này đã được nâng cấp thành sự kiện có quy mô nhất từ trước đến nay với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn.

Diễn giải sai, ngụy biện căn cứ đòi chủ quyền

Trong bối cảnh hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi các hành động quân sự hóa, hung hăng và gấy hấn của Trung Quốc hòng đòi chủ quyền phi lý ở vùng biển chiến lược này, mà đáng lo ngại nhất là việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, hội thảo là dịp để các Chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia… cùng đánh giá thực trạng tình hình, phân tích mổ xẻ nguyên nhân của những căng thẳng, mất ổn định vừa qua ở Biển Đông và cả khu vực.

Những nhận thức chung được rút ra từ chuỗi hội thảo khoa học đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ góp phần đánh giá đúng tình hình, căn nguyên để tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng, giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền hiện nay ở Biển Đông.

Một trong những điều được nêu ra trong hội thảo là diễn giải sai, ngụy biện của Trung Quốc về những căn cứ để đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà nước này công bố năm 2009. Trong đó, 2 căn cứ để chính Trung Quốc vin vào đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông là “quyền lịch sử”, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên vùng biển này. Tại hội thảo, nhiều ý kiến, quan điểm, lập luận, căn cứ khoa học, pháp lý đã được đưa ra để vạch rõ diễn giải hoàn toàn sai cũng như sự phi lý, phi pháp của các căn cứ mà Trung Quốc vẫn dựa vào để đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử, căn cứ pháp lý

Nhưng cái gọi là “quyền lịch sử”, “vùng biển lịch sử” mà Trung Quốc lâu nay vẫn dựa vào để đòi chủ quyền trên Biển Đông thực sự rất mơ hồ, không có các bằng chứng lịch sử và thực tế chứng minh. Trái lại, chính những bằng chứng lịch sử lại chứng minh điều ngược lại rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có một căn cứ nào về “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Những lưu trữ xưa nay cho thấy, tất cả các bản đồ do chính Trung Quốc ấn hành trước giai đoạn 1947-1948 (thời điểm “đường lưỡi bò 9 đoạn” mơ hồ manh nha xuất hiện đâu đó trước khi chính thức được công bố năm 2009) đều dừng ở đảo Hải Nam. Những bản đồ do các quốc gia châu Âu vẽ, phát hành qua các giai đoạn lịch sử cũng xác định rõ biên cương cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam.

Trong đó, một tấm bản đồ Trung Quốc có tên “China Proper 1735” được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28-3-2014 cũng thể hiện rất rõ lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Thanh với biên giới cực Nam của nước này chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. 

Trong khi đó, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) lại quy định rất rõ rằng, muốn gọi là “vùng biển lịch sử” thì phải đáp ứng 3 yếu tố, gồm Nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Căn cứ vào công ước được xem là bản “Hiến pháp về đại dương” của cả thế giới này, Trung Quốc thậm chí còn không có nổi một yếu tố nào để có thể căn cứ vào đó đòi chủ quyền theo “quyền lịch sử”.

Không có những bằng chứng lịch sử để hậu thuẫn cho “quyền lịch sử”, Trung Quốc đã dùng sức mạnh quân sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974, một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, rồi bồi đắp trái phép thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn và cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát vào năm 2012…

Từ những hòn đảo và thực thể chiếm đóng trái phép bằng vũ lực này, Trung Quốc công bố học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) vào năm 2013. “Tứ Sa” được xem là bước leo thang đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc từ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Cũng từ cái gọi là “Tứ Sa” này, Trung Quốc đã diễn giải UNCLOS 1982 về chủ quyền đối với các vùng biển quanh các hòn đảo để đòi chủ quyền đối với cả các vùng biển vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của các bên liên quan ở Biển Đông trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông.

Song các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đã viện dẫn luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt là UNCLOS 1982, để khẳng định rằng, những cái gọi là “hòn đảo” mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, bồi đắp phi pháp hoàn toàn không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều 60 của UNCLOS 1982 đã phủ nhận quy chế cho các đảo nhân tạo với nội dung như sau: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.

Tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh

Những diễn giải, căn cứ mà Trung Quốc vin vào để hậu thuẫn cho những hành động hung hăng, nguy hiểm đòi chủ quyền phi lý và phi pháp đã một lần nữa được vạch rõ là sai trái, hoàn toàn không có cơ sở và căn cứ theo luật pháp quốc tế. Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng trong phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” đã nêu rõ, tất cả tiếp tục lo ngại về xu hướng quân sự hóa, đối đầu, gia tăng căng thẳng vẫn đang tiếp tục, việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp có xu hướng gia tăng, tính hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế tiếp tục bị đe dọa bởi việc tự ý diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho mình, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn việc thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế. Ông bày tỏ mong muốn, những tiếng nói, đúc rút từ hội thảo này cần được nghiên cứu áp dụng, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác phục vụ lợi ích của cả khu vực và quốc tế.