Diễn đàn kinh tế- xã hội Việt Nam 2023: Nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với những kết quả đã đạt được, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn

Nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng nay (19-9), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với những kết quả đã đạt được, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm…

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện tại của nền kinh tế là tăng trưởng kinh tế chậm lại trong 6 tháng đầu năm nay, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.

Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu dùng, thu hút FDI… cũng đối mặt nhiều khó khăn.

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, là một nền kinh tế có độ mở cao, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều “cơn gió ngược” liên tục đổi chiều và có hiệu ứng mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo sức ép lớn về lạm phát, tỷ giá cùng với những rủi ro về thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược.

Trong khi đó, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn sau đại dịch Covid-19, thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt…đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi mong manh.

Để “hóa giải” thách thức của nền kinh tế hiện nay không chỉ cần thiết những giải pháp trước mắt mà còn cần các giải pháp lâu dài. Trong đó, khắc phục khó khăn của nền kinh tế là nâng cao năng suất lao động.

Đây là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Gỡ bỏ “nghịch lý” nội tại nền kinh tế

Tham luận tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam được coi là ngôi sao kinh tế nhưng là ngôi sao “ngược gió”, vì nền kinh tế có nhiều khác thường, thể hiện ở 3 điểm lớn.

Cụ thể là năm 2022, Việt Nam tăng trưởng hơn 8% là kỳ tích hiếm có nhưng lạm phát lại thấp. Lạm phát thấp kéo dài nhiều năm. Điều này không phù hợp với nguyên lý phát triển của kinh tế học.

“Đây là nghịch lý đầu tiên, không bình thường. Chúng ta say mê tăng trưởng cao, lạm phát thấp nhưng bất thường này chưa được nghiên cứu thấu đáo”- ông Trần Đình Thiên nói.

Hai là mặc dù tăng trưởng tốt nhưng động lực tăng trưởng suy giảm liên tục và kéo dài, đặt ra giả thuyết động lực bên trong có vấn đề. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi vì doanh nghiệp chịu lãi suất cao trường kỳ, khả năng sống còn vô địch nhưng điều ấy tận dụng quá nên không đủ sức mạnh để khỏe hơn nên tuổi thọ doanh nghiệp thấp. Số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường lớn nên cần xem xét lại.

Ba là đất nước thừa tiền nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất cao...

Từ thực tế trên, ông Trần Đình Thiên kiến nghị, để tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, cần đảm bảo “3 thông”: Thông suốt về hạ tầng, thông thoáng về cơ chế và thông minh của bộ máy.

Cụ thể, ông Trần Đình Thiên đề xuất cần chuyển ngay giá điện theo giá thị trường để nền kinh tế sẽ sống động, tương tự như từng chuyển giá lương thực sang giá thị trường; Chủ động gia tăng áp lực chuyển đổi số, chuyển đổi sang kinh tế xanh; Đồng thời, đặt hàng, trao cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng đường sắt, Metro nối TP HCM với sân bay Long Thành.

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên 6 khó khăn lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, tiếp cận vốn tín dụng là trở lại lớn.

Đại diện VCCI cũng bày tỏ lo ngại về việc tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng số rời khỏi thị trường có xu hướng tăng cao; Xuất nhập khẩu suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện trong tháng 5-6 vừa qua cũng là tín hiệu đáng lo ngại với môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Đại diện cho Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bà Lê Hồng Thủy Tiên kiến nghị, chính sách thuế, tài chính cần minh bạch, nhất quán, hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần rà soát quy định thiếu thực tế để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.