Diễn biến trước thời khắc sóng gió trên chính trường Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc kiểm phiếu đại cử tri trong bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu lúc 13h ngày 6-1-2021 theo giờ Mỹ (1h sáng 7-1 tính theo giờ Việt Nam) tại Điện Capital ở Thủ đô Washington D.C thu hút sự chú ý của không chỉ người dân Mỹ mà sự quan tâm của cả thế giới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20-1-2021

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20-1-2021

Truyền thông nhận định

Trước ngày kiểm phiếu, rất nhiều các phương tiện truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, đông đảo người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã kéo về Thủ đô Washington D.C để biểu tình. Vệ binh quốc gia Thủ đô được huy động để bảo đảm sẽ không có biến trong ngày 6-1. Cảnh sát cũng ra thông báo nhấn mạnh họ không ngăn cản những người ủng hộ ông Donald Trump biểu tình nhưng hãy để súng ở nhà khi xuống đường.

Báo New York Times khẳng định nỗ lực của phe Cộng hòa sẽ không thể làm thay đổi kết quả bầu cử đại cử tri với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Nội bộ Đảng Cộng hòa cũng thể hiện sự chia rẽ khi càng gần tới ngày kiểm phiếu, càng có thêm nhiều Nghị sĩ lên tiếng phản đối việc thách thức kết quả cử tri đoàn.

Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri năm 1887 nêu rõ, việc kiểm phiếu sẽ bị tạm ngừng nếu 1 Hạ nghị sĩ và 1 Thượng nghị sĩ cùng lên tiếng bày tỏ nghi ngờ về lá phiếu đại cử tri của 1 bang nào đó bằng văn bản. Khi đó, Thượng viện và Hạ viện sẽ rút về nhóm họp riêng, thảo luận các cáo buộc được nêu ra và biểu quyết. Với thời gian tối đa 2 tiếng cho mỗi phiên, mỗi Nghị sĩ được có tối đa 5 phút trình bày một lần duy nhất cho mỗi cáo buộc. Sau thời gian trên, nếu các cáo buộc bị bác bỏ, Chủ tịch Thượng viện - tức Phó Tổng thống - sẽ tiếp tục việc kiểm phiếu đại cử tri. Nếu các cáo buộc được chấp thuận thì sẽ có một cuộc bỏ phiếu của lưỡng viện.

Theo Đài Fox News, các Nghị sĩ thách thức hiểu rõ họ đang làm gì và kết cục dẫn tới đâu nhưng họ vẫn muốn làm. Việc thách thức kết quả là một quy định hợp pháp và họ sẽ tận dụng điều đó để “khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vào các cuộc bầu cử”. Cũng theo Đài Fox News, một nhóm Hạ Nghị sĩ do dân biểu Jim Jordan, Mo Brooks và Elise Stefanik dẫn đầu tuyên bố sẽ thách thức kết quả bầu cử tại ít nhất 1 bang.

CNN thông tin, con số lên đến hơn 140 Nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có nhóm 11 Thượng Nghị sĩ do Thượng Nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu đã tuyên bố sẽ thách thức lá phiếu đại cử tri của ít nhất 1 bang trong phiên kiểm phiếu tại Quốc hội. Fox News ngày 5-1 đã tiết lộ thông tin đáng chú ý hơn, đó là khoảng 100 dân biểu đã lên kế hoạch thách thức kết quả tại 6 bang là Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Nevada và Wisconsin. Mặc dù vậy, kế hoạch này cần nhận được sự phối hợp “tung hứng” từ các Thượng Nghị sĩ. Hiện nhóm của Thượng Nghị sĩ Ted Cruz vẫn đang thảo luận nên thách thức kết quả bang nào và vẫn chưa đi tới kết luận cuối cùng. Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa tuyên bố không tham gia thách thức kết quả.

Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Dalton, bang Georgia tối 4-1-2021

Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Dalton, bang Georgia tối 4-1-2021

Đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Georgia, kiểm soát được Thượng viện

Tại một diễn biến khác phía sau chính trường Mỹ, chiến thắng của ứng cử viên Thượng Nghị sĩ Jon Ossoff có ý nghĩa quan trọng khi Đảng Dân chủ giành được 2 ghế cần thiết để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện từ tay Đảng Cộng hòa.

Ứng cử viên Thượng Nghị sĩ của Đảng Dân chủ Jon Ossoff đã đánh bại ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Georgia David Perdue trong cuộc đua quan trọng tại bang Georgia. Như vậy, đây là chiến thắng thứ hai của Đảng Dân chủ trước Đảng Cộng hòa khi trước đó ứng cử viên Dân chủ Raphael Warnock cũng đánh bại ứng cử viên Cộng hòa Kelly Loeffler. Cụ thể, tính đến 10h tối 5-1 (giờ địa phương), với 97% số phiếu được kiểm, ông Raphael Warnock giành được 2.208.580 số phiếu ủng hộ (50,4%), trong khi đó bà Kelly Loeffler có được 2.172.931 phiếu (49,6%) trong cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang Georgia. Chiến thắng của ông Warnock khiến ông sẽ trở thành Thượng Nghị sĩ da màu đầu tiên đại diện cho bang Georgia tại Thượng viện Mỹ và là ứng viên da màu thứ 11 được bầu vào Thượng viện Mỹ.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Jon Ossoff giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện tại bang Georgia

Ứng cử viên đảng Dân chủ Jon Ossoff giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện tại bang Georgia

Chiến thắng của ông Jon Ossoff có ý nghĩa quan trọng khi Đảng Dân chủ giành được 2 ghế cần thiết để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Trước đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đầu tiên giành thắng lợi tại bang Georgia kể từ năm 1992. Với thắng lợi này, Đảng Dân chủ ngang bằng với đảng Cộng hòa khi nắm 50/100 ghế tại Thượng viện. Tuy nhiên, với việc Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris của Đảng Dân chủ có quyền bỏ phiếu khi số phiếu cân bằng, lợi thế tại Thượng viện sẽ nghiêng về Đảng Dân chủ.

Phó Tổng thống Mike Pence: Không có quyền ngăn cản chiến thắng của ông Biden

Hãng tin CNN trích dẫn một số nguồn tin cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 5-1 đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng và cho biết bản thân ông không có quyền ngăn cản việc chứng thực chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden khi Quốc hội Mỹ tiến hành kiểm số phiếu đại cử tri. Tổng thống Donald Trump trước đó đã gây áp lực lên Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về việc đảo ngược kết quả bầu cử, cảnh báo rằng nếu ông Mike Pence từ chối ngăn chặn việc chứng thực chiến thắng của ông Joe Biden - đó sẽ là một “thất bại” chính trị đối với ông Pence. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Pence đã trả lời rằng ông không có quyền để đảo ngược tiến trình này. Phó Tổng thống Pence nói với ông Donald Trump rằng Cố vấn luật pháp cho Nhà Trắng cho biết ông không có quyền hạn này.

Ứng cử viên Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Raphael Warnock

Ứng cử viên Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Raphael Warnock

Một số nguồn tin cho biết Phó Tổng thống Pence dự kiến đưa ra tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của ông Donald Trump nhằm thách thức kết quả bầu cử và tránh đóng vai trò quá tích cực để tránh khiến ông Donal Trump và phe ủng hộ ông này tức giận. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với lãnh đạo phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cho biết ông Pence chỉ có vai trò “nghi thức” không hơn.

Theo Hiến pháp Mỹ, kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6-1-2021 với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ. Đây là bước thủ tục cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Nhiều người hy vọng căng thẳng sẽ giảm bớt được phần nào sau khi các đại cử tri bỏ phiếu.

Cựu Tổng thống George Bush sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden

Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush - ông Freddy Ford cho biết ông Bush sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Thủ đô Washington D.C vào ngày 20-1 tới. Trên mạng xã hội Twitter, ông Freddy Ford cho biết: “Tổng thống và Phu nhân Bush mong được trở lại đồi Capitol để dự Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Harris. Chứng kiến sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình là một dấu ấn của nền dân chủ của chúng ta, điều không bao giờ cũ”.

Dư luận cho rằng câu nói trên dường như nhằm vào Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, người đến nay vẫn không thừa nhận thất bại và chưa xác nhận liệu ông có tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden hay không. Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin CNN ngày 3-12-2020, Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden nói rằng việc ông Donald Trump tham dự lễ nhậm chức Tổng thống sẽ chứng tỏ rằng ông Trump đồng ý chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Joe Biden không muốn người ủng hộ tập trung đông tại Công viên National Mall hay dọc đại lộ Pennsylvania trong buổi lễ nhậm chức của ông theo như truyền thống trước đây.