Diễn biến phiên tòa cân não của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên

ANTD.VN - Sau gần một tuần nghị án, chiều 1-3, vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ bước vào phần tuyên án theo dự kiến. Tuy nhiên HĐXX đã bất ngờ công bố tạm rời lại tới ngày 27-3 để xác minh tài sản.

Theo Kiến thức, chiều 1-3, theo kế hoạch, TAND TP HCM tuyên án vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tuy nhiên, phiên tòa chỉ diễn ra trong ít phút và được HĐXX tuyên bố tạm ngưng, rời lại tới ngày 27-3.

Có mặt tại phiên tòa chiều 1-3 khá sớm, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều có những chia sẻ trước báo giới.

Ông Vũ cho biết thật sự rất buồn: "Nếu nói buồn cũng không phải, thật sự đau lòng. Qua muốn chấm dứt mọi thứ để còn ổn định nhiều chuyện. Trung Nguyên cần ổn định để phát triển".

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo “phản pháo” quan điểm không đóng góp cho Trung Nguyên

Thông tin trên Dân trí, trả lời về khoản tiền 2.109 tỉ đồng, đại diện nguyên đơn khẳng định: "Tại phiên tòa ngày 25-1, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Đây là quan điểm không đúng pháp luật". 

Theo phía nguyên đơn, khi ly hôn, theo quy định của pháp luật, tài sản mà hai vợ chồng chia là "khối tài sản chung". 

Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định "tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Dựa trên những diễn biến ở các phiên tòa, bà Thảo đã nhiều lần khẳng định tại phiên tòa việc góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp, bà đưa bằng tiền mặt trực tiếp cho ông Vũ.

Như vậy, khi nhắc đến "tài sản chung" thì phải nói đến pháp nhân được thành lập đầu tiên trong thời kỳ hôn nhân là hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên được thành lập vào tháng 7-1999.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân gia đình quy định "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung". 

Trong trường hợp này, tài sản chung chính là cổ phần và vốn góp: 90% cổ phần tại công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNI), 30% tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), 15% cổ phần tại công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, 15% cổ phần tại công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, 15% cổ phần tại công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising, 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, 30% phần vốn góp tại công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định mình có đóng góp cho Trung Nguyên.

Theo bà Thảo, việc đánh giá không đúng pháp luật về công sức khởi nghiệp đã khiến dư luận hiểu sai bản chất của vấn đề pháp lý mấu chốt này. "Tiêu chí" ông Vũ là linh hồn của Trung Nguyên không có ý nghĩa về mặt pháp lý, cũng như không phải là công sức tạo lập tài sản chung. 

7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập trong thời kỳ hôn nhân, và được hai vợ chồng phân vai quản lý, điều hành từ những ngày đầu. Như vậy, công sức đóng góp của hai vợ chồng đối với Trung Nguyên là ngang nhau. Cả hai đều có đóng góp như nhau trong việc tạo lập, duy trì và phát triển số cổ phần và phần vốn góp tại các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo đại diện nguyên đơn, các chứng cứ mà phía ông Vũ cung cấp không có cơ sở hợp pháp. Tại các phiên xét xử, phía ông Vũ đưa ra các tài liệu chứng cứ photo: Giấy phép kinh doanh của ông Vũ năm 1996, tài liệu chuyển đổi từ Hợp tác xã thành công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên.

Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu phía ông Vũ cung cấp các bản gốc để đối chiếu thì phía ông Vũ chưa thực hiện được. "Chúng tôi nghi ngờ bị đơn giả mạo về các tài liệu chứng cứ này" - đại diện nguyên đơn nói. 

Ngoài ra, bà Thảo cũng đề nghị toà đưa Trung Nguyên Singapore (TNS) vào khối tài sản chung để giải quyết luôn trong vụ án. Công ty này do một mình bà Thảo thành lập và điều hành tại Singapore, số vốn 126 tỉ đồng. Tại đơn phản tố (trước khi diễn ra phiên xử), ông Vũ xác định số vốn của TNS là từ tài sản chung của vợ chồng, đề nghị chia. Quan điểm của bà Thảo trùng với ông Vũ. "Tôi nhiều lần đề nghị tòa việc này để giải quyết triệt để vụ án nhưng không được giải quyết", bà Thảo nêu.

Trước đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, ông không quan tâm đến kết quả phiên tòa. Việc phán quyết thế nào do HĐXX quyết định.

Cần làm rõ khoản tiền hơn 2.000 tỷ đồng

Theo Pháp luật, HĐXX đã hỏi các đương sự về số tiền hơn 2.000 tỉ đồng đứng tên tài khoản Lê Hoàng Diệp Thảo đã đầu tư vào đâu từ năm 2015 đến 2017. Phía bà Thảo vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng đó là số tiền đã và sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích nên chuyện bị hao hụt, không còn cũng là… bình thường. Tuy nhiên, bà không trưng ra được chứng cứ chứng minh đã dùng số tiền đó vào mục đích gì.

Ông Vũ với vẻ mặt trầm ngâm tại phiên tòa chiều 1-3. Ảnh: Zing

Khi được hỏi, phía ông Vũ giữ nguyên yêu cầu phản tố là làm sáng tỏ vấn đề này. Theo đại diện của ông Vũ, bà Thảo không dùng bất cứ đồng tiền nào trong số hơn 2.000 tỉ đồng nói trên để đầu tư vào Tập đoàn Trung Nguyên. 

Còn đại diện VKS cho rằng, HĐXX chưa thu thập chứng cứ đầy đủ về số tiền này nên đề nghị làm rõ. Tại các phiên tòa trước, đại diện các ngân hàng đều được mời tới nhưng không ai nắm được đến thời điểm hiện tại, số tiền hơn 2.000 tỉ đồng đó còn lại bao nhiêu, nếu có rút thì bà Thảo rút vào thời gian nào do HĐXX chưa có yêu cầu xác minh mới. Trước những tình tiết này, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau đó, chủ tọa công bố tạm ngừng phiên toà để xác minh các tài khoản gửi tại các ngân hàng và mở lại phiên tòa vào ngày 27-3. 

Tại phiên xét xử ngày 26-2, về vấn đề chia tài sản, đại diện VKS cho rằng cần quan tâm tới sự đóng góp của từng người một cách hợp lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các bên. Từ đó, VKS đề nghị tòa chia theo tỷ lệ 50/50 nhưng có xem xét mức độ đóng góp của mỗi người… 

Lời khuyên gây tranh cãi của chủ tọa Nguyễn Văn Xuân trong phiên tòa ly hôn của vợ chồng 'vua cà phê' hôm 21-2-2019. Nguồn: Zing