Diễn biến mới sau khi Thái Lan cắt điện khu vực có các tập đoàn lừa đảo ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một tuần sau khi Thái Lan cắt điện tại một số thị trấn Myanmar là nơi ẩn náu của các tổ chức lừa đảo trực tuyến, gia đình những người Malaysia vẫn bị mắc kẹt bên trong đã kêu gọi chính phủ tăng áp lực để buộc các đường dây này thả “con tin”.
Quang cảnh thị trấn Shwe Kokko ở huyện Myawaddy, bang Kayin của Myanmar nhìn từ Mae Sot, tỉnh Tak của Thái Lan sau khi bị cắt điện và Internet

Quang cảnh thị trấn Shwe Kokko ở huyện Myawaddy, bang Kayin của Myanmar nhìn từ Mae Sot, tỉnh Tak của Thái Lan sau khi bị cắt điện và Internet

Tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan tại Kuala Lumpur hôm 12-2, hàng chục thành viên gia đình nạn nhân đã kêu gọi Bangkok hợp tác với các nước láng giềng Đông Nam Á để đập tan các tổ chức lừa đảo dụ dỗ hàng chục nghìn người vào đường dây lừa đảo trực tuyến.

Tuần trước, Thái Lan đã cắt điện, quyền truy cập Internet và nguồn cung cấp xăng dầu cho 5 khu vực ở Myanmar bị nghi ngờ là nơi tổ chức các hoạt động lừa đảo mạng. Động thái diễn ra sau vụ giải cứu một diễn viên Trung Quốc. Anh này bị lừa đến Thái Lan, ép qua biên giới vào một tổ hợp lừa đảo ở khu vực Myawaddy của Myanmar.

Cùng ngày 12-2, hơn 250 người được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar đã được trao trả cho Thái Lan. Sau khi đi bằng thuyền qua sông cũng là biên giới, họ đã được thả xuống Phop Phra, cách Mae Sot khoảng 30 km ở phía biên giới Thái Lan.

Theo Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen, một nhóm phiến quân Myanmar kiểm soát khu vực, nhóm này đã đột kích một trung tâm lừa đảo ở Kyauk Khet, một ngôi làng ở bang Kayin dọc biên giới Thái Lan-Myanmar. Trung tâm Kyauk Khet do công dân Trung Quốc điều hành nhưng những người lao động này đã được đưa lậu từ khắp nơi trên thế giới.

Các nạn nhân từ các trung tâm lừa đảo ở Kayin của Myanmar được đưa qua biên giới và quân đội Thái Lan tiếp nhận

Các nạn nhân từ các trung tâm lừa đảo ở Kayin của Myanmar được đưa qua biên giới và quân đội Thái Lan tiếp nhận

Nhưng đối với Aini Ramli người Malaysia, cô vẫn phải chờ đợi để được gặp anh trai mình. Theo Aini, anh trai cô là Muhammad Adi Ramli, 36 tuổi, đã bị giam giữ tại một địa điểm không xác định ở Myanmar sau khi bị dụ đến đó vào tháng 11 năm ngoái để làm nghề lắp dây điện. Ban đầu, anh ta đã cố gắng trốn thoát khi đang trên đường đi làm ở Thái Lan, nhưng nhanh chóng bị đưa vào Myanmar, nơi có chung đường biên giới dài và nhiều lỗ hổng an ninh.

“Gần đây, anh gọi cho tôi, nói rằng không còn điện nữa và mọi người đang sử dụng máy phát điện. Trước đó, mỗi lần gọi, anh đều nói thường xuyên bị đánh đập. Xin hãy làm bất cứ điều gì có thể để anh trai tôi trở về nhà an toàn”, cô nói.

Hàng nghìn người Malaysia được cho là đã vào các khu phức hợp lừa đảo trong những năm gần đây. Ngoài một số tự nguyện, phần đông bị lừa rơi vào các đường dây buôn người.

Nhiều người đã trở về nhà sau khi trả tiền chuộc hoặc trốn thoát nhờ sự trợ giúp của các kênh phụ, nhưng vẫn còn vài chục người được cho là ở lại. Với kỹ năng tiếng Anh tốt, người Malaysia trở thành mục tiêu lý tưởng cho các băng nhóm lừa đảo, mục tiêu của chúng trải dài khắp thế giới.

Tổ chức Nhân đạo Quốc tế Malaysia (MHO) cho biết, các nạn nhân vẫn tiếp tục phải chịu đựng sự ngược đãi nghiêm trọng. “Nhiều người bị tra tấn, đánh đập, nhốt trong phòng tối không có thức ăn trong nhiều ngày và bị ép lao động khổ sai như nô lệ”, ông Hishamuddin Hashim, người đại diện cho 30 gia đình nạn nhân cho biết.

“Tại sao phải chờ Trung Quốc can thiệp? Chúng ta ở ASEAN có thể tự giải quyết vấn đề này. Khu vực này được cho là yên bình và an toàn, nhưng sự hiện diện của các khu phức hợp lừa đảo này đang làm hoen ố danh tiếng của ASEAN”, ông Hashim nói.

Myanmar, Campuchia và Lào - các quốc gia giáp với Thái Lan và nằm ở phía nam Trung Quốc - đã trở thành trung tâm chính cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 6-2, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã cam kết sẽ trấn áp các băng nhóm lừa đảo, bảo vệ du khách nước ngoài đến Thái Lan và hợp tác với Trung Quốc để chống lại vấn đề này.

Kể từ khi Bangkok thực hiện các biện pháp trấn áp từ tuần trước, nhiều công dân Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Ethiopia, Pakistan và Kazakhstan đã được Lực lượng Biên phòng Myanmar bàn giao cho chính quyền Thái Lan. Họ sẽ trải qua quá trình sàng lọc để xem có bất kỳ khả năng nào liên quan đến các hoạt động tội phạm trước khi được hồi hương.