Diễn biến lo ngại có thể đẩy xung đột tại Ukraine leo thang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm “gỡ rào” cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể đẩy cuộc xung đột quân sự vốn đã khốc liệt này leo thang, đồng thời làm khó cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Đổ thêm dầu vào lửa xung đột Nga - Ukraine

Các hãng truyền thông lớn của Mỹ và phương Tây đồng loạt đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Quyết định này cũng đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Ngay sau khi có thông tin Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, các nguồn tin giấu tên cho biết, Ukraine dự định thực hiện các đợt tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới. Theo đó, các đòn tập kích có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 306 km.

Có thông tin Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp như tên lửa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Có thông tin Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp như tên lửa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Thông tin Mỹ dỡ bỏ hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga được cho sẽ đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ukraine ngay từ đầu cuộc xung đột với Nga đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây luôn tỏ ra khá thận trọng, dè dặt với yêu cầu trên của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại điều này có thể khiến xung đột vượt cả phạm vi lẫn quy mô chỉ là cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraine mà còn có nguy cơ leo thang nguy hiểm, dẫn tới xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO tại châu Âu.

Chính vì thế, chính quyền Tổng thống Joe Biden dù ủng hộ hết mình cả về tiền bạc và vũ khí thông thường cho Ukraine vẫn đặt ra rào cản để nước này có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ngay cả việc cung cấp tên lửa ATACMS cũng chỉ chuyển cho Ukraine loại tầm ngắn mà không chuyển loại tầm xa hay cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cũng chỉ giới hạn trong phạm vi phòng không trong lãnh thổ Ukraine… Việc Mỹ giới hạn Ukraine tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga cũng ảnh hưởng rất lớn tới quan điểm và quyết định của các đồng minh NATO của Mỹ tại châu Âu trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bên cạnh một số ít thành viên NATO ở châu Âu muốn dỡ bỏ mọi hạn chế đối với vũ khí cung cấp cho Ukraine, đa phần các thành viên khác của liên minh quân sự này tại cựu lục địa lại tỏ ra dè dặt, thậm chí phản đối cung cấp cho Kiev vũ khí tầm xa, có uy lực lớn.

Nga từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo sắc lạnh về việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 vừa qua đã tuyên bố thẳng thừng rằng, việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Matxcơva. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, điều đó sẽ “thay đổi đáng kể bản chất cuộc xung đột, có nghĩa là các nước thành viên NATO, gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang bước vào cuộc chiến với Nga”.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên trước thông tin Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ quy định hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 9 vừa qua đã nêu rõ quan điểm của Matxcơva trong vấn đề này. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh thêm, điều này đồng nghĩa Mỹ cùng các nước NATO can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine và buộc Nga phải tiến hành “những quyết định tương xứng” để ứng phó với mối đe dọa mới.

Đưa chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thế khó

Quyết định dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí cung cấp cho Ukraine được chính quyền đương nhiệm đưa ra vào thời điểm không lâu sau cuộc bầu cử mà chiến thắng thuộc về cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden sẽ mãn nhiệm sau hơn 2 tháng nữa. Điều này được cho sẽ gây khó dễ cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đặt một trong những ưu tiên cao ngay sau khi chính thức nhậm chức từ hạ tuần tháng 1-2025 là sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong suốt quá trình tranh cử từng phản đối việc chính quyền Tổng thống Joe Biden viện trợ vô điều kiện cho Ukraine và nhất là không thể cứ viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev mà không biết điểm dừng của cuộc chiến này. Thậm chí có lần ông còn hé lộ khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine dưới dạng khoản vay. Ông Donald Trump từng tuyên bố có thể “chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ”. Thế nên, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trước Phó Tổng thống Kamala Harris - người được cho có quan điểm, chính sách đối ngoại cơ bản như Tổng thống Joe Biden - trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua được cho sẽ thay đổi lớn tới chính sách của Mỹ đối với Ukraine cũng như cuộc xung đột tại đây trong thời gian tới. Quan điểm không ủng hộ cuộc xung đột kéo dài của Tổng thống đắc cử Donald Trump được ông một lần nữa khẳng định lại trong phát biểu ngày 14-11 vừa qua tại Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên ở bang Florida, Mỹ.

Trong tuyên bố được cho là chính thức đầu tiên về quan điểm đối với cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, Tổng thống đắc cử Donald Trump khẳng định, chính quyền của ông sẽ nỗ lực mạnh mẽ để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông nhấn mạnh, sẽ làm việc rất quyết liệt trong vấn đề Nga và Ukraine, rằng “Nga và Ukraine phải dừng lại”, “xung đột này phải chấm dứt”. Giới quan sát cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới sẽ gây áp lực mạnh để ép Ukraine và Nga phải ngồi lại đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. Đối với Ukraine, tiếng nói của Mỹ là rất quan trọng bởi không có sự hậu thuẫn, đặc biệt là viện trợ và cung cấp vũ khí của Washington, Ukraine khó có thể cầm cự được với Nga trong xung đột quân sự.

Biết rõ lập trường của chính quyền kế nhiệm từ tháng 1-2025, nên chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đang chạy đua để giúp Ukraine giành lợi thế trước thời điểm chuyển giao quyền lực. Ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ chi 6 tỷ USD còn lại trong quỹ tài trợ cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2025.

Các quyết định hậu thuẫn cho Ukraine được đưa sau vào thời gian sắp mãn nhiệm của chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho sẽ gây khó nhất định cho chính quyền sắp tới. Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhóm chuyển giao quyền lực của ông chưa chính thức lên tiếng về thông tin Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ hạn chế vũ khí đối với Ukraine, song các đồng minh của chủ nhân sắp tới của Nhà trắng đã có những chỉ trích, phản ứng.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, một người ủng hộ nhiệt thành Tổng thống đắc cử Donald Trump, ngày 17-11 nhấn mạnh, khi gần kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden “đang nỗ lực một cách nguy hiểm để bắt đầu Thế chiến III bằng cách cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Mỹ tấn công lãnh thổ Nga”. Các đồng minh khác của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đặt vấn đề rằng phải chăng quyết định của chính quyền sắp mãn nhiệm đã “đẩy tình huống tồi tệ nhất có thể cho chính quyền Donald Trump?”.