Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Điện ảnh phải là ngành công nghiệp đặc biệt

ANTĐ - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhà ở phố Bát Sứ, dân phố cổ chính hiệu, vậy mà người ta vẫn cứ gọi ông là “ông Phần nông thôn”.  Những bộ phim nổi tiếng về đề tài nông thôn như: Ma Làng, Gió làng kình, Đất và người… đã khiến cho ông gắn chặt với biệt danh rất nông dân ấy. 

Là sinh viên khóa đầu tiên của trường Đại học SKĐA Hà Nội, yêu thích điện ảnh, nhưng con đường đến với nghệ thuật cũng không phải là con đường bằng phẳng. Trải qua mấy chục năm làm nghề, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã có nhiều phim để lại ấn tượng trong lòng khán giả và cũng đã có nhiều giải thưởng ở cả hai lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Ông cũng là người luôn đột phá, đi tìm những con đường đi mới cho việc làm phim. Không ai có thể tin rằng chính “ông Phần nông thôn” ấy đã từng đi học làm phim thị trường, rồi tự huy động vốn từ bạn bè để làm phim, phát hành trên hệ thống Rạp chiếu bóng cả nước. Với việc làm này, ông đã chứng minh được rằng: Phim thị trường không chỉ là phim giải trí mà còn có thể là phim nghệ thuật. “Em còn nhớ hay em đã quên” mà Nguyễn Hữu Phần là biên kịch và đạo diễn, đã là một bộ phim ăn khách, đồng thời lại nhận được đến 4  giải thưởng lớn tại LHPVN lần thứ XI. 

Bây giờ ở tuổi ngoài lục tuần, trên danh nghĩa thì ông đã nghỉ hưu ở TTSXPTH (VFC), nhưng dường như ông lại bận hơn trước. Là Ủy viên BCH Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Giám đốc Hãng phim Hội điện ảnh (HODAFILM), rồi giảng viên trường ĐH SKĐA và tất nhiên rồi, ông vẫn là một đạo diễn có mặt trên các địa bàn sản xuất phim.

Ngồi trò chuyện với ông “Phần nông thôn” tại quán cà phê Trịnh trên phố Bát Sứ - con phố nhỏ nhắn, không dài, nhưng rất duyên dáng. Trong câu chuyện mới thấy con người làm phim của ông không chịu ngồi yên. Ông luôn cập nhật những thông tin về sự phát triển hiện đại của các nước có nền điện ảnh phát triển, các nước trong khu vực và còn rất nhiều trăn trở, lo lắng, sốt ruột với sự nghiệp sản xuất phim điện ảnh - truyền hình của đất nước.

- Chào đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, lâu lắm mới gặp ông, biết là ông bận quá, nghe nói Ma làng phần 2 đang làm hậu kỳ rồi, nên ông cũng đã rảnh rỗi hơn?

- Vâng, phim cũng đang làm hậu kỳ, sắp xong rồi.

- Ông say mê với đề tài nông thôn quá, hay là vì Ma làng phần 1 ăn khách nên ông tiếp tục làm phần 2?

- Khi làm phần 2, tôi biết dễ bị người ta nói: Ông  này “ăn theo”,  thấy phần 1 ăn khách thì lại làm tiếp... Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi chỉ muốn làm tiếp về con đường của người nông dân trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, vì vậy nên tôi lấy làng Bâm Dương và những nhân vật Nghiệp, Dỏ, Ló… để tạo thành “Làng Ma - mười năm sau”, tên của bộ phim mới này như vậy.  Cái làng ngày trước (thời bao cấp) có “ma”, sang thời kỳ đổi mới... cũng  vẫn có “ma” (thậm chí “ma” dữ hơn, tinh vi, xảo quyệt hơn...)

- Thế còn dự án phim truyền hình khai thác từ dòng văn học hiện thực phê phán 30 - 45 do ông khởi xướng đã thực hiện đến đâu rồi?

- Phim truyền hình bây giờ tương đối nhàm chán trước hết vì không thay đổi nhiều về đề tài, không khai thác được những mảng hiện thực lạ. Lịch sử Văn học Việt Nam có thời kỳ 1930 -1945 rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài xuất sắc. Nếu khai thác được dòng văn học này, chuyển thể thành phim truyền hình dài tập, chúng ta sẽ có những màu sắc khác lạ, hấp dẫn người xem, đồng thời tôn vinh được những thành quả nghệ thuật văn học quá khứ. Dự án sản xuất phim TH từ các tác phẩm văn học 30-45 của HODAFILM (phối hợp với VFC) đã thành hình và đạo diễn Nhuệ Giang vừa sản xuất xong bộ phim đầu tiên mang tên “Trò đời” dựa trên sự liên kết một số tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Phim sắp phát sóng đấy.

- Ông vừa nhắc đến sự “nhàm chán” của phim truyền hình. Chúng ta đã có rất nhiều cuộc bàn tròn, nhiều cuộc hội thảo với các quy mô lớn, nhỏ bàn về chất lượng phim, vậy mà sao phim truyền hình Việt Nam vẫn bị mang tiếng xấu là nhạt, nhàm, nhảm, và ẩu?

- Công bằng thì phải nói như thế này, những khán giả Việt Nam xem phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều, họ có nhận xét phim của các nước ấy hay hơn phim ta. Nói thế cũng đúng vì các nước khác có nền điện ảnh, truyền hình chuyên nghiệp, hiện đại hơn ta rất nhiều. Sản xuất phim của họ đã trở thành một ngành công nghệ, kinh tế lớn… do đó có sự đầu tư tốt hơn về nhiều mặt. Thế nhưng trong hàng nghìn tập phim họ sản xuất ra mỗi năm không phải không có phim dở, nhiều ấy chứ… Khi ta nhập phim của họ, ta chỉ chọn những bộ phim hay, đó cũng là chuyện tất nhiên. 

Nền sản xuất phim truyền hình của ta cũng có những Phim hay cũng có, tuy chưa chiếm tỷ lệ cao nên dễ bị chìm lấp trong số phim bình thường và phim dở. 

- Vậy theo ông phải làm sao để chúng ta có phim  truyền hình  Việt có chất lượng hơn, tỷ lệ phim hay nhiều hơn?

- Đó là cả một vấn đề, rất khó… là một câu chuyện dài! Chúng ta đã có một nền Điện ảnh cách mạng 60 năm, có nghề sản xuất phim truyện truyền hình cũng được 20 năm... Thế nhưng hoạt động sản xuất phim vẫn chẳng có gì để gọi là làm phim chuyên nghiệp cả. Vẫn rất lạc hậu, rất thiếu thốn, và lại... rất lãng phí nữa chứ.

- Nói vậy nghe có vẻ mâu thuẫn, đã thiếu thốn lạc hậu, lại còn lãng phí?

- Đúng vậy, cái thiếu thốn, cái lạc hậu về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, điều kiện làm việc và cả nếp quản lý chưa thoát khỏi tư duy của cơ chế cũ nên nó sinh ra lãng phí.  Chúng ta không có nhiều tiền làm phim nhưng lại chơi rất sang. Phim làm xong chiếu ở một Đài (đơn vị đầu tư) chứ không có sự trao đổi, mua bán rộng rãi.  Chúng ta chưa quan tâm, chưa có ý thức gì về việc sản xuất phim ra sao để có thể xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới. Đầu tư cho sản xuất phim (như việc dựng bối cảnh, lo đạo cụ, phục trang) thì phim nào biết phim ấy, làm xong phá bỏ đi, không lưu giữ để sử dụng từ phim này sang phim khác... 

- Ông có thể nói về một nguyên nhân khiến chúng ta chưa có nhiều phim hay?

- Nguyên nhân thì nhiều. Chúng ta không có các biện pháp để kích thích những nhà làm phim để họ làm phim hay hơn. Đầu tư sản xuất phim vẫn theo mức “đồng hạng”,  chưa có thang giá trị (về nghệ thuật hay về giá trị quảng cáo) để có chế độ thưởng, phạt cụ thể, khuyến khích với người làm phim/nhà sản xuất. Gần đây các nhà Đài cũng có chút thay đổi ví dụ như, phim có khả năng thu hút quảng cáo cao thì nhà sản xuất được hưởng thêm một tỷ lệ nào đó, nhưng đấy vẫn chỉ là nhà Đài và đơn vị sản xuất, còn các nhà làm phim (biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên...) vẫn chỉ là con số 0, không có bất cứ quyền gì với đứa con tinh thần của mình và những giá trị mà nó tạo ra. Các nhà sản xuất ký hợp đồng làm phim với đạo diễn. Đạo diễn làm phim xong, trả phim cho nhà sản xuất. Hết!  Bản quyền thuộc về Đài (đơn vị đặt hàng). 

Ở các nước khác, cuộc sống của bộ phim gắn bó với quyền lợi người làm phim, nếu làm hay anh được hưởng lợi từ việc khai thác phim, còn nếu không hay, thua lỗ, có thể ngươi ta không cộng tác với anh nữa. Cách làm này còn có khả năng phân loại và chọn lọc được những nhà làm phim tốt và loại bỏ những người làm phim yếu. Tại sao chúng ta không tìm ra những con đường đi như thế khuyến khích cho người làm phim?

- Đấy là đối với phim truyền hình, vậy còn phim điện ảnh thì sao? Dường như cách làm phim chỉ để trả hợp đồng, cũng không kích thích được các nhà làm phim? Ông có thấy như vậy không?

- Phim do Nhà nước đặt hàng, trợ giá (thường là những phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim kỷ niệm những ngày lễ lớn…) lãnh đạo ngành ĐA duyệt dự án (kịch bản và phương án sản xuất phim) rồi cấp tiền cho đơn vị sản xuất (hàng phim) rồi hãng phim giao cho đoàn làm phim thực hiện các giai đoạn sản xuất… Khi hoàn thành phim, được Hội đồng duyệt chấp nhận là xong việc. Người cấp tài trợ xét duyệt trên văn bản (dự án lý thuyết) và không quan tâm gì đến quá trình thực hiện dự án cũng như việc sử dụng kinh phí được cấp. Mục tiêu của đơn vị sản xuất và người làm phim là được hội đồng duyệt chấp nhận chứ không cần quan tâm đến đối tượng khán giả, hay số thu phòng vé. Nghĩa là có kinh phí thì làm phim, trả hàng xong là hoàn thành nhiệm vụ… 

- Nhưng nhiều khi còn vì tên tuổi và thương hiệu của nhà làm phim nữa chứ?

- Tất nhiên có rất nhiều nhà làm phim muốn làm phim hay, muốn có hoặc bảo vệ danh tiếng, thương hiệu của mình… nhưng đó là sự kết hợp mục tiêu của bản thân họ với việc làm phim trả hàng, chứ không ai bắt buộc, không có bất cứ sự khuyến khích nào… 

- Và hậu quả của các hình thức làm phim này sẽ như thế nào?

- Kiểu sản xuất phim tư nhân có thể đầu tư cao và quản lý quá trình sản xuất phim sát hơn nhưng lại quá quan tâm đến mục tiêu thu lãi nên có thể chạy theo thị hiếu tầm thường. Còn phim Nhà nước đặt hàng, tài trợ được coi là tác phẩm có khả năng giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng (đặc biệt là giới trẻ) lại vắng khán giả vì các nhà làm phim không quan tâm đến khán giả… Như thế chắc chắn nhiệm vụ chính trị mà ngành Điện ảnh được giao cũng không thực hiện nổi.

- Thông tin từ một cuộc hội thảo, mỗi năm Malaysia bán phim điện ảnh và truyền hình được 60 triệu USD, tiến tới 130 triệu USD năm 2020, nhưng Việt Nam gần như không xuất khẩu được phim và cũng không khai thác nổi tại sân nhà? Ông thấy con số ấy nói lên điều gì?

- Ở nhiều nước, Điện ảnh là một ngành công nghiệp, thương mại rất có tiềm năng. Ngay ở nước ta, từ khi Nhà nước cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động Điện ảnh, hệ thống rạp chiếu phim hiện đại đã hình thành tại các thành phố lớn (phần lớn do các công ty nước ngoài đầu tư) đã tạo ra sức thu hút lớn đối với khán giả (đưa khán giả trở lại với Điện ảnh). Doanh thu chiếu bóng ngày càng cao (năm 2012 doanh thu chiếu bóng ở nước ta lên tới 47 triệu USD). Thế nhưng phim của Điện ảnh VN chiếu tại rạp chỉ chiếm có 13%. Thị trường phát hành phim và chiếu bóng trên đất nước gần 90 triệu dân còn chứa đựng những tiềm năng rất lớn, thế nhưng lại đang để các công ty nước ngoài khai thác. Phim của ĐA Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn ở sân nhà, hoặc có tham gia các LHP Quốc tế, nhưng chưa trở thành sản phẩm giao lưu thương mại Quốc tế.  

- Vậy theo ông, điện ảnh Việt Nam phải làm gì để có phim hay?

- Phải làm gì ư? Tôi chỉ là một người làm phim, có thể nói gì được… Thay đổi cơ chế quản lý,  thay đổi thói quen đã hình thành từ lâu… đương nhiên là khó. Nhưng khó không có nghĩa là cứ ngồi  đấy nhìn, chịu đựng sự phát triển chậm chạp, nghiệp dư, đầu tư thấp mà lại lãng phí ấy hay sao? Những tồn tại củ ngành điện ảnh chỉ có thể giải quyết được khi Nhà nước thực sự quan tâm, coi điện ảnh là một ngành công nghiệp đặc biệt vừa sáng tạo ra sản phẩm văn hoá vừa tạo ra nguồn thu lớn cho nền kinh tế. 

- Và để làm được điều đó, trước hết ngành điện ảnh cần phải có định hướng mang tính chiến lược lâu dài?

- Thì chúng ta cũng vừa có chiến lược phát triển điện ảnh đến 2020 tầm nhìn 2030 rồi đó. Tôi thấy lạ là trong chiến bản lược ấy nói rất chung chung về đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển điện ảnh như là hô khẩu hiệu: “hỗ trợ bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo…”  mà không biết tìm đâu ra người để hỗ trợ, để đào tạo và đào tạo như thế nào để đạt được những mục tiêu (tương đối lớn - được viết ở đấy). Nó cũng giống như đặt ra mục tiêu của chiến lược là năm 2020 trở thành nền điện ảnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á và 2030 thành một trong những nền điện ảnh mạnh ở châu Á.

-  Thế còn nội dung của chiến lược, ông thấy có gì để hy vọng cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam?

 

- Tôi thấy có rất nhiều vấn đề rất cũ và chưa cập nhật đầy đủ tình hình phát triển của điện ảnh quốc tế. Ví dụ như việc phát triển điện ảnh kỹ thuật số ta đặt ra mốc là năm 2020, trong khi chỉ 2014 này thế giới đã thôi dùng phim nhựa. Vậy thì vấn đề mua phim nhựa, in tráng, làm hậu kỳ và cả rạp chiếu phim nhựa (mà ta vẫn có ý định phát triển) sẽ như thế nào? 

Tôi bây giờ là người làm phim truyền hình, không biết có nên bàn vào những việc của ngành điện ảnh không? Trong thâm tâm, tôi vẫn mong nước mình có nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc thu hút được đông đảo khán giả trong nước và có khả năng giao lưu với thế giới.  Nhưng cũng chỉ chờ đợi và hy vọng thôi… 

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.