Điểm thi THPT quốc gia cao bất thường ở Hà Giang: Phó Phòng Khảo thí là người can thiệp kết quả thi

ANTD.VN - Tại cuộc họp báo liên quan đến gian lận thi cử ở Hà Giang diễn ra chiều 17/7, đại diện đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cho biết, Phó trưởng Phòng Khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Giang Vũ Trọng Lương chỉ mất 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT thông tin tới báo chí về kết quả kiểm tra tại tỉnh Hà Giang

Đại diện Tổ công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, liên quan tới vi phạm nghiêm trọng trong quá trình chấm thi THPT quốc gia ở Hà Giang, qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người đã trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Ngay khi có kết quả điều tra, sẽ thông tin cho các cơ quan truyền thông.

Về hành vi cụ thể vi phạm của ông Lương, cơ quan chức năng cho biết, quy trình quét bài thi trắc nghiệm hàng năm, ông Vũ Trọng Lương trực tiếp phụ trách và ông này dùng chiếc máy tính được Sở GD - ĐT giao để thực hiện nhiệm vụ quét bài thi. Ông Lương đã tải về toàn bộ dữ liệu về máy, có rất nhiều số điện thoại gửi về và nhập điểm theo số điện thoại đó trong... 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh.

Quy trình thanh tra, Bộ và Sở chưa chặt chẽ khi để ông Lương xử lý tất cả bài thi của thí sinh, trong khi thành viên Ban giám sát ngồi ở đó. Những thành viên tham gia về cơ bản không nắm được thao tác, quy trình này nên để tạo kẽ hở ông Lương qua mặt.

Ông Lương đã có thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ 38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí. Trong 2 tiếng này, ông đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án.

Dù khẳng định hiện chưa phát hiện cá nhân nào phối hợp với ông Lương trong 2 tiếng đó, nhưng thực tế cho thấy, nếu chỉ thực hiện một mình thì rất khó. Do đó, cơ quan chức năng sẽ phải làm tiếp xem có sự tiếp tay của đối tượng khác hay không.

"Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ Giáo dục kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cho những năm tiếp theo", Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi Hà Giang

Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Là Trưởng Ban chỉ đạo thi, tôi phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra tại hội đồng thi của tỉnh. Khi sự việc xảy ra, tôi rất vui điểm cao nhưng tôi rất lo là điểm có thực chất không. Đến nay dù buồn, nhưng tôi cũng vui vì điều tôi mong muốn là điểm thi của thí sinh phải được trả về thực chất đã được thực hiện. Hy vọng sẽ lấy lại  được niềm tin của nhân dân Hà Giang và cả nước. Đây là bài học sâu sắc để chúng tôi khắc phục trong thời gian tới. Chúng tôi lấy kết quả phúc tra để lấy làm kết quả công bố tới thí sinh để dùng nó xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang đến đâu xử lý đến đó. Còn việc có “mua” điểm hay không phải chờ thời gian, khi có kết luận điều tra.

Trả lời câu hỏi về việc có con của lãnh đạo tỉnh tham dự kỳ thi hay không, ông Quý cho biết: “Trong một kỳ thi có nhiều đối tượng thi nhưng tôi nghĩ rằng không có lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào trường đại học nào cả. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ”.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, dù mọi khâu trong kỳ thi đã được quy định rất chặt chẽ bài bản, về cơ bản kỳ thi trên cả nước diễn ra rất nghiêm túc, nhưng những việc xảy ra ở Hà Giang trong kỳ thi vừa qua là “vô cùng xấu xí, không thể chấp nhận”.

“Qua những bài học như thế này, để bảo đảm kỳ thi ngày càng nghiêm túc, khách quan và đáng tin cậy hơn hơn  chúng tôi sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp” - ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, từ chiều 14/7, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Giang. Tất cả đều thống nhất phải xử lý nghiêm theo tinh thần đúng người, đúng việc.

Trước đó, ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Kết quả thi của tỉnh miền núi Hà Giang cao bất thường. Trong 11 thí sinh có điểm các môn cao nhất cả nước, Hà Giang có 3. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi, cao hơn gấp nhiều lần các địa phương có truyền thống học tốt như Hà Nội, TP HCM, Nam Định.

Trước nghi vấn của dư luận, tối 12/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã yêu cầu địa phương rà soát, gửi báo cáo kết quả bằng văn bản trước ngày 17/7. Nhận được đề nghị của Hà Giang, ngày 14/7, đoàn kiểm tra do Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh dẫn đầu đến địa phương này để phối hợp làm rõ các nghi vấn.

0h45 sáng nay, Cục trưởng Mai Văn Trinh khẳng định có sai phạm trong quá trình chấm thi. "Đấu tranh ban đầu, chúng tôi xác định được đối tượng gây ra. Cơ quan chức năng đang điều tra chứng cứ để củng cố và khi có kết quả sẽ xử lý theo pháp luật", ông Trinh nói.

Kỳ thi THPT quốc gia Hà Giang có hơn 5.400 thí sinh tham dự. 

                   Có thi sinh được nâng đến 29,95 điểm các môn

Theo đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1 đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1; điểm đã công bố là 9).

85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1 đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1; điểm đã công bố là 8,75).

56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1 đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5).

8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1 đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9).

9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1 đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75).

3 bài thi Địa lý đã chênh lên từ 1,25 đến 3 điểm (điểm chấm thẩm định là 6; điểm đã công bố là 9).

52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9).

Như vậy, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.