Điểm sáng trên “hòn đảo tự do”

ANTĐ - Cho dù đang phải chịu muôn vàn khó khăn về kinh tế và xã hội bởi lệnh cấm vận phi lý của Mỹ song Cuba vẫn giành được những thành tựu to lớn về giáo dục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Điểm sáng trên “hòn đảo tự do” ảnh 1Không chỉ đầu tư lớn cho giáo dục, Cuba còn có chất lượng giáo dục thuộc loại cao nhất Mỹ Latinh

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo vừa công bố đánh giá Cuba là nước đứng đầu thế giới hiện nay về mức độ đầu tư cho giáo dục, chiếm 12,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Định chế tài chính lớn nhất thế giới về hỗ trợ phát triển này khẳng định kể cả các quốc gia giàu có phát triển nhất trên thế giới cũng không có mức độ đầu tư cho công tác “trồng người” cao như Cuba.

Theo WB, đứng sau Cuba về tỷ lệ đầu tư ngân sách giáo dục/GDP là Đông Timor  với 11,3% GDP, tiếp đó là Đan Mạch 8,7% GDP… Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Bolivia xếp thứ hai sau đảo quốc Caribe này với mức đầu tư giáo dục chiếm 7,6% GDP. Trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, Brazil và Argentina cùng có tỷ lệ 5,8%, trong khi chỉ số này của Mexico là 5,2%. 

Mặc dù đứng đầu thế giới về con số tuyệt đối lượng ngân sách dành cho giáo dục, nhưng xét về tỷ lệ, Mỹ chỉ giữ vị trí khá khiêm tốn trên thế giới với 5,4%. Chỉ số này tại một số quốc gia phát triển khác lần lượt là Anh với 6,2% GDP, Pháp 5,9%, Canada 5,5%, Đức 5,1%, Italia 4,5%... Tây Ban Nha dù đang bị khủng khoảng công nặng nề song cũng dành 5% GDP đầu tư cho giáo dục.

Đầu tư lớn nhất thế giới tính theo tỷ lệ GDP cho sự nghiệp trồng người đã mang lại những thành quả ngọt ngào cho “Hòn đảo tự do”. Từ một quốc gia có tới 30% số dân không biết đọc, biết viết khi cách mạng thành công năm 1959, Cuba ngày nay trở thành điểm sáng về giáo dục ở khu vực Mỹ Latinh - Caribe và trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ chỉ còn 0,2% trong tổng số 11,2 triệu dân. 

Nhiều trường đại học của Cuba hiện rất có uy tín trên thế giới và được nhiều sinh viên nước ngoài theo học như các trường về y, dược. Với 10.300 tiến sĩ và 45.000 thạc sĩ, Cuba là một trong những nước đứng hàng đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribe về đào tạo sau đại học với trung bình mỗi năm có khoảng 500 người nhận bằng tiến sĩ và thạc sĩ. 

WB trong một bản báo cáo công bố năm 2014 cũng đã đánh giá hệ thống giáo dục Cuba đạt tiêu chuẩn thế giới với chất lượng học thuật xuất sắc, hiệu quả cao, thu nhập của giáo viên luôn cao hơn so với trung bình xã hội và có trình độ phát triển ngang bằng với các nền giáo dục tiên tiến như của Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan và Canada. Tại Cuba, hệ thống giáo dục hoàn toàn miễn phí luôn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách Nhà nước để nhờ đó mà tỷ lệ người biết chữ của nước này vẫn đạt tới 99,8% và tỷ lệ trẻ em nhập học đạt 99,7%, cao nhất Mỹ Latinh, bất chấp những khó khăn kinh tế-xã hội do cuộc bao vây cấm vận của Mỹ. 

Tương tự WB, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) trong một nghiên cứu giáo dục đại học 13 nước Mỹ Latinh cũng khẳng định trình độ trung bình của sinh viên Cuba cao nhất trong số các nước này với chỉ số kiến thức và kỹ năng cao gấp đôi so với sinh viên các nước khác cùng khu vực. UNESCO đã công nhận Cuba là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình “Giáo dục cho mọi người” do LHQ đề ra tại Diễn đàn thế giới tổ chức tại Dhaka (Bangladesh) năm 2000.