Điểm sáng mô hình "Dòng họ an toàn về an ninh trật tự"

ANTD.VN - Để đảm bảo việc xây dựng các mô hình chuyên đề có hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2019, UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tổ chức triển khai mô hình “Dòng họ an toàn về an ninh trật tự”.

Mô hình “Dòng họ an toàn về an ninh trật tự” là một điểm mới, góp phần xây dựng dòng họ tự phòng, tự quản về ANTT. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, ông bà mẫu mực, con cháu hiền thảo. Cùng với đó, giữ gìn tình đoàn kết gia đình, dòng họ xây dựng cuộc sống tốt đẹp, thực hiện phương châm: “Dòng họ, gia đình, xóm làng không có người vi phạm pháp luật và liên quan đến tệ nạn xã hội”.

UBND huyện Gia Lâm triển khai mô hình "Dòng họ an toàn về an ninh trật tự"

Theo Thượng tá Bùi Nam Hải, Phó Trưởng CAH Gia Lâm: “Mô hình dòng họ an toàn về ANTT là một trong những chương trình được CAH phối hợp với các đơn vị triển khai trên toàn địa bàn huyện. Với truyền thống lâu đời và sự gắn kết gia đình, dòng họ khi tham gia mô hình sẽ góp phần giáo dục con cháu, những người trẻ ngay trong môi trường dòng họ, phấn đấu không có người vi phạm pháp luật. Để mô hình đạt hiệu quả, người đứng đầu dòng họ cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu”.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm có 170 dòng họ lớn, có từ 100 hộ gia đình trở lên. Các dòng họ này có truyền thống lâu đời. Trong thời gian tới, mô hình sẽ được thí điểm xây dựng tại 3 xã Ninh Hiệp, Dương Xá, Đông Dư.

Để triển khai hiệu quả mô hình này, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp của những người đứng đầu dòng họ. Chính những “hạt nhân” có uy tín này sẽ phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của dòng họ, các đơn vị huyện Gia Lâm xây dựng các nội dung, trong đó tập trung vào các nội dung phù hợp với tình hình thực tế của từng dòng họ. Mỗi người đứng đầu dòng họ thể hiện sự gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương, là tấm gương sáng cho con cháu trong dòng họ noi theo. Với mục đích chung là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, các dòng họ sẽ xây dựng hương ước, quy ước dòng họ, thôn xóm, đặc biệt, xây dựng các tổ tự quản, tổ hòa giải là hạt nhân để duy trì, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Ông Nguyễn Quang Minh (ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Đây là một mô hình rất hay, trong dòng họ những người đứng đầu luôn có uy tín và tiếng nói được các thành viên tôn trọng. Chính vì thế, khi dòng họ tham gia mô hình, những người đứng đầu sẽ đưa ra một nội quy và yêu cầu các thành viên tuân thủ. Từ đó, mỗi cá nhân trong dòng họ sẽ ý thức bản thân, không vi phạm pháp luật, đấu tranh tố giác tội phạm để nâng cao vị thế  của dòng họ trong làng, xã”.