Điểm sáng kinh tế toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam không chỉ nằm trong số ít những quốc gia có giá trị thương thiệu quốc gia (Nation Brands) gia tăng mà còn tăng mạnh nhất thế giới trong bối cảnh giá trị thương hiệu quốc gia nhiều nước sụt giảm trong năm khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19.
Giá trị thương hiệu quốc gia gia tăng liên tục đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế

Giá trị thương hiệu quốc gia gia tăng liên tục đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

Trong báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) vừa công bố, hãng định giá thương hiệu Brand Finance có trụ sở ở Thủ đô London của Anh đánh giá Việt Nam đang nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020. Theo Brand Finance, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 đạt 319 tỷ USD. Hãng định giá thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới này cho biết, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ sự tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới hiện nay.

Khi công bố báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020, Brand Finance cho rằng, năm 2020 là phép thử đối với các quốc gia trên thế giới khi đại dịch Covid-19 tác động hết sức tiêu cực tới triển vọng GDP, lạm phát và gây bất ổn kinh tế trên toàn cầu. Hãng này ước tính, 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới đã “bốc hơi” tới 13.100 tỷ USD trong năm 2020, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD năm nay. Hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc dù tiếp tục là hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với lần lượt 23,7 nghìn tỷ USD và 18,8 nghìn tỷ USD, song cũng giảm lần lượt 14% và 4%. Hơn nữa, Brand Finance đánh giá quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn “rất mong manh” do chiến tranh thương mại gây tác động xấu tới cả hai nền kinh tế trong vài năm qua.

Dù giá trị thương hiệu giảm 6%, xuống còn 4.261 tỷ USD nhưng Nhật Bản lại tăng từ hạng 4 năm 2019 lên thứ 3 giá trị thương hiệu quốc gia lớn nhất thế giới năm 2020 do Đức đã rơi từ hạng 3 xuống hạng 4 với mức giảm tới 21,5% xuống còn 3.812 tỷ USD. Đức cũng là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất trong top 10. Anh giữ vững vị trí thứ 5 với giá trị thương hiệu quốc gia nhưng giảm 14% trong năm 2020 so với một năm trước, xuống còn 3.300 tỷ USD. Trong khi đó, Ireland là quốc gia duy nhất trong Top 20 có giá trị thương hiệu tăng với mức 11%, lên 670 tỷ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngược lại, trên toàn cầu, Argentina là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất trong năm qua với 57% xuống còn 157 tỷ USD.

Thành lập năm 1996, Brand Finance thường niên đưa ra định giá thương hiệu được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông lớn toàn cầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal… Hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập uy tín hàng đầu thế giới này định giá thương hiệu quốc gia dựa trên mô hình tương tự với doanh nghiệp khi sử dụng các chỉ số về Sức mạnh thương hiệu, GDP dự báo và phương pháp tính giá trị ròng (NPV) để đưa ra kết quả cuối cùng. Bên cạnh định giá thương hiệu quốc gia, Brand Finance cũng chấm điểm sức mạnh thương hiệu các nước.

Thành quả của những nỗ lực cải cách không ngừng

Năm 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được nâng cao và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh của thế giới. Brand Finance đánh giá, thứ hạng thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện là nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 5,4%, tức 12 tỷ USD so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Trong giai đoạn 3 năm trước đó, thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, theo đánh giá của Brand Finance.

Năm 2020 này, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý cuộc khủng hoảng y tế được cho là hiếm thấy trên toàn cầu và kinh tế của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ chức này nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận “số ca nhiễm Covid-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên”.

Việt Nam hiện được chọn là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, theo Brand Finance, việc ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác … và điều này cũng góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam cũng như góp phần quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư, điểm đến của giới kinh doanh quốc tế.

Báo cáo của Brand Finance cũng chia sẻ sự đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi cho rằng, Việt Nam với việc xếp thứ 57 về hạng mục "kinh tế mạnh mẽ và ổn định" là một trong số ít nền kinh tế được định chế tài chính quốc tế lớn này dự báo tăng trưởng dương trong năm nay. Theo IMF, năm 2020, Việt Nam là 4 (Việt Nam, Đài Loan - Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc) trong số 50 nền kinh tế lớn nhất có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, trong đó Việt Nam có mức tăng trưởng 2,4%.

“Điểm sáng” kinh tế hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19 mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút giới đầu tư, kinh doanh thế giới như một điểm đến an toàn, hấp dẫn nhất. Brand Finance nhận định, đây là cơ hội để các nước như Việt Nam - những quốc gia đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế - xây dựng quyền lực mềm của mình trong lĩnh vực này. TS. Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhìn nhận “Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội tốt từ khủng hoảng”, một nhân tố giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ và thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới dù kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến khó lường.