Điểm mạnh và hạn chế của Hà Nội khi bước vào quá trình công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thương hiệu "Thành phố sáng tạo". Tuy nhiên, những hạn chế từ các sản phẩm văn hóa và các bất cập khác đã tạo ra các lực cản không nhỏ để Thủ đô nhanh chóng tiến bước.

Sáng 18-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp".

Sự kiện này tiếp nối tọa đàm được tổ chức vào ngày 10-6 vừa qua, nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng tầm rõ rệt về cả chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP; từng bước đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng và nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học...

Tọa đàm thu hút trên 20 ý kiến tham luận, tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" chủ trì tọa đàm.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" chủ trì tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, Đảng bộ Thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng (khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm), góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045 Hà Nội “có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD”.

"Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô", Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nói.

Là một nhà nghiên cứu, TS. Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam khẳng định, di sản văn hoá là vốn, là tài nguyên của mỗi quốc gia, dân tộc. Phát triển công nghiệp văn hoá Hà Nội dựa trên vốn di sản văn hoá là tất yếu, có cơ sở khoa học, thực tiễn và bền vững.

Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015 Hà Nội có 5922 di tích lịch sử văn hoá trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (12), di sản thế giới (1).

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, dù sở hữu nhiều lợi thế, song Hà Nội cũng có một số điểm yếu: Các sản phẩm văn hoá chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế; Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hoá còn chưa hợp lý; Thiếu liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với các nhà sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sáng tạo. Thiếu tư vấn thiết kế, nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế.

Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hoá, dựa vào cộng đồng sáng tạo các sản phẩm văn hoá, tạo ra giá trị di sản đương đại, giá trị gia tăng từ di sản, TS Lê Thị Minh Lý nhận thấy việc xây dựng chiến lược của Hà Nội cần quan tâm đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hoá.

Ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hoá dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người (chủ thể và khách thể) của công nghiệp văn hoá vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hoá ở mỗi quốc gia.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể của thành phố.

Là người hoạt động ở lĩnh vực giáo dục, PGS. TS Chu Cẩm Thơ và cộng sự (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đề xuất giải pháp phát triển thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế cho Hà Nội cần bắt đầu từ đầu tư giáo dục sáng tạo.

Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Điều đó có nghĩa là, con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo hình thành, phát triển và con người cũng là đối tượng duy trì sáng tạo. Vì thế, để sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục sáng tạo.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ đề xuất, trong phạm vi quyền hạn của mình, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chủ trì xây dựng và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông chương trình giáo dục địa phương bằng các phương pháp sáng tạo (TRIZ), tư duy thiết kế (STEM/STEAM); Xây dựng dự án học tập tập trung cho người học thiết kế các sản phẩm sáng tạo dựa trên văn hóa truyền thống và tích hợp công nghệ hiện đại. Đồng thời, thành phố nên tạo ra các trung tâm sáng tạo kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ: triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người, thúc đẩy học tập sáng tạo suốt đời. Sự thành lập của các trung tâm sáng tạo là cần thiết.

Ngoài ra, Hà Nội cần thúc đẩy giáo dục mở - nhà trường sáng tạo trên nền tảng hợp tác doanh nghiệp – xã hội. Các bài học từ thành phố sáng tạo cho thấy, giáo dục cần được triển khai theo nghĩa rộng, nghĩa là trường học mở cửa các dự án học tập để doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể tham gia vào quá trình xây dựng – thiết kế.

Cũng tại sự kiện, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham vấn, góp ý cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa...

Khép lại buổi tọa đàm thứ 2, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo. Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển.