Điểm lại những mốc sự kiện khiến quan hệ NATO-Nga đi xuống

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy mối quan hệ NATO-Nga xuống một mức thấp mới, khiến người ta hoài nghi về một cuộc chiến tranh lạnh và sự thù địch đang trở lại.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi trong nhiều năm qua, bất chấp cả hai bên đã cố gắng hợp tác thông qua một số hoạt động ở Afghanistan và các hoạt động gìn giữ hòa bình chung trên thế giới.

Máy bay phản lực RAF Typhoon đã tham gia cuộc tuần tra của NATO
trên không phận các nước Baltic

Trong khi NATO ra sức cáo buộc Nga đang thực hiện “một cuộc xâm lược lén lút” bằng cách gửi vũ khí và binh lính vào miền đông Ukraine để giúp lực lượng ly khai, thì chính phủ Nga lại phủ nhận những lời buộc tội và cáo buộc chính phủ thân phương Tây của Ukraine mới chính là nguyên nhân chủ chốt gây ra cuộc xung đột ở miền đông nước này.

Vấn đề chỉ nằm ở những cáo buộc hai bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine hay còn ở những vấn đề khác trong quá khứ, trong sự đối lập về tư tưởng, chính trị? Điều gì mới là nguồn gốc dẫn đến sự lạnh nhạt hiện tại trong mối quan hệ NATO-Nga?

Mở rộng về phía đông

Một tàu khu trục nhỏ Bulgaria trong một cuộc diễn tập của NATO ở Biển Đen vào tháng 7

Năm 1999, gần 10 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, NATO đã chấp nhận ba nước từng là thành viên của khối Hiệp ước Warsaw là Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan. Sau đó, nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ cũng gia nhập NATO vào năm 2004 như các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia.

Điều này đã gây cho Nga những “khó chịu” thường xuyên, Moscow đặc biệt nổi giận khi NATO mở rộng phạm vi đến các nước vùng Baltic, mà trước đây nó từng thuộc Liên Xô và như “một phần” của Nga. Các chính trị gia Nga cho rằng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không nên hành động chống lại lợi ích chiến lược của Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales vào cuối tuần này, Phần Lan, một nước không phải là thành viên của NATO, sẽ ký một thỏa thuận chủ quyền quốc gia với liên minh 28 quốc gia. Điều này có nghĩa là Phần Lan sẽ hỗ trợ hậu cần cho lực lượng NATO ngay trên đất nước họ. Không một quốc gia NATO nào có chung đường biên giới với Nga trừ Phần Lan. Thụy Điển cũng đã quyết định ký hợp đồng với NATO. Hai nước Bắc Âu đã hợp tác chặt chẽ với NATO và có thể trở thành thành viên trong tương lai.

Đầu năm 2008, NATO cũng đã đưa ra một triển vọng về kết nạp thành viên tương lai cho Gruzia. Động thái này dường như gây ra một sự khiêu khích trực tiếp cho điện Kremlin, cũng như báo hiệu một mối quan hệ gần gũi hơn của NATO và Ukraine.

Cùng diễn biến, hôm 30/8, Thủ tướng Chính phủ Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết sẽ trình quốc hội dự luật bãi bỏ quy chế không liên minh để tiến tới gia nhập NATO. Trước đó, tiến trình này đã bị chặn bởi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, một người thân cận của Moscow, người đã bị lật đổ vào tháng hai sau các cuộc biểu tình.

Phòng thủ tên lửa

Sự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ đứng đầu đã báo động đến Nga. NATO cho rằng lá chắn tên lửa đánh chặn sẽ thực hiện phòng thủ tốt, không đặt ra mối đe dọa cho Nga, và nó được thiết kế để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tên lửa trong tương lai, có thể đến từ Iran hoặc Triều Tiên.

Nga muốn có một quan hệ đối tác bình đẳng với NATO trong việc phát triển một hệ thống như vậy. Tuy nhiên sự lựa chọn đó lại không được theo đuổi. Trong khi NATO bắt đầu triển khai các tên lửa đánh chặn ở Romania, Cộng hòa Séc và Ba Lan thì ngay tháng 12/2013, Nga đã triển khai tên lửa chiến thuật Iskander ở vùng Kaliningrad của mình để đối phó lại các dự án của NATO.

Cuộc xung đột Georgia

Cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nga và Georgia năm 2008 đã khiến mối quan hệ với NATO bước đầu xấu đi. Trong chiến tranh, Nga ủng hộ quân ly khai tại hai khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia và Nga đã đổ quân vào đập tan quân đội của Gruzia, lực lượng đã cố gắng để tái chiếm lại Nam Ossetia.

Nga đẩy lực lượng Gruzia ra khỏi Nam Ossetia năm 2008

Phương Tây đã gọi hành động của Moscow là “một việc làm không cân xứng”. Sau đó Nga đã công nhận hai khu vực ly khai là độc lập, nhưng điều này không được quốc tế công nhận. Ngay lập tức, NATO đã đình chỉ hoạt động của Hội đồng NATO-Nga được thành lập năm 2002, và Nga cũng hủy bỏ hợp đồng hợp tác quân sự với NATO để trả đũa. Quan hệ hai bên đã tan vỡ kể từ thời điểm này.

Cuộc xung đột Kosovo

Nga, một đồng minh lịch sử của Serbia, đã kiên quyết ủng hộ Belgrade về vấn đề Kosovo. Serbia không bao giờ chấp nhận sự ly khai của Kosovo dưới sự giúp đỡ của NATO vào năm 1999, mặc dù chính phủ Serbia đã đồng ý không ngăn chặn con đường của Kosovo trở thành thành viên EU. Nhiều quốc gia khác cũng bác bỏ tuyên bố độc lập của Kosovo vào năm 2008.

Quân đội Anh ở Kosovo vào năm 1999 - một phần lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO

Nga đã đóng băng sự hợp tác quân sự với NATO trong thời gian ngắn, ngay sau khi liên minh phát động cuộc tấn công ném bom quy mô lớn vào Serbia vào năm 1999.

Hiệp ước tranh chấp

Năm 2007, Nga bị rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí CFE. Hiệp ước này hạn chế số lượng thiết bị quân sự quan trọng trong khu vực được chỉ định. Nó được ký kết giữa phương Tây và các cựu quốc gia khối Hiệp ước Warsaw vào năm 1990 và được sửa đổi vào năm 1999, nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia của Liên Xô cũ gia nhập NATO.

Tuy nhiên, NATO đã từ chối phê duyệt các yêu cầu của Moscow và nhấn mạnh rằng trước tiên Nga phải rút binh sĩ còn lại của mình ra khỏi Gruzia và Moldova.

Trong năm nay, NATO đã công bố kế hoạch triển khai một lực lượng phản ứng nhanh của hàng ngàn binh lính ở Đông Âu, gần biên giới Nga. Lực lượng có thể được huy động trong vòng 48 giờ, tạo thành lực lượng quân đội các nước thành viên trên cơ sở luân phiên. Một động thái như vậy sẽ tiếp tục làm suy yếu hiệp ước CFE, mặc dù NATO khẳng định các lực lượng mới sẽ không có căn cứ mới vĩnh viễn.