Điểm khác biệt của tố tụng hành chính là bảo vệ người yếu thế

ANTĐ -“Bản chất của các vụ án hành chính là “con kiến kiện củ khoai”. Do vậy, điều quan trọng là phải làm sao để “con kiến” ngày càng tin vào công lý” – Đó là ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) trong phiên thảo luận về Dự án Luật tố tụng hành chính (TTHC) sửa đổi.

Đối với các quy định phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, cấp tỉnh một số ý kiến nhất trí nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy vậy, nhiều ý kiến không đồng tình về quy định này.

Phiên họp Quốc hội sáng 23-6

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) lưu ý: Cần cân nhắc việc giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh đối với các khiếu kiện liên quan đến Quyết định của UBND cấp huyện vì việc làm này đi ngược lại với lộ trình cải cách tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, chẳng khác nào xây dựng luật theo hướng thụt lùi.

         

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) phát biểu

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Đoàn ĐBQH Thái Bình) cũng cho rằng, nếu dồn những việc này về TAND cấp tỉnh, thì ở các tỉnh miền núi người dân phải đi hàng trăm cây số mới khiếu kiện được. Đưa ra quy định này chẳng khác nào chặt chân người dân. Trung tướng Trần Văn Độ - Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Đoàn ĐBQH An Giang) đề xuất, nên quy định thẩm quyền chéo: Án huyện này có thể khởi kiện ở huyện khác. Như vậy, luật vừa mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, vừa tạo được sự độc lập trong xét xử cho Thẩm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

Đại biểu Trần Văn Độ (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) phát biểu

 Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, nhiều ý kiến đề nghị quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa án đối với khiếu kiện hành chính. Theo đó mọi quyết định hành chính thì đều được quyền khởi kiện ra Tòa án. Tuy vậy, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, quyết định của đơn vị, tổ chức sự nghiệp công.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) phát biểu

Về người đại diện, một số ý kiến đề nghị quy định sao cho người được uỷ quyền phải đại diện cho người uỷ quyền, tham gia toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, tránh trường hợp cấp trưởng uỷ quyền cho cấp phó, cấp phó lại ủy quyền cho cấp phòng. Hơn nữa, đây phải là người có chuyên môn, nắm bắt được sâu sát vấn đề để đại diện tham gia. Theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện, đề nghị quy định chặt chẽ vấn đề này và chế tài đối với người được ủy quyền không chịu hợp tác, làm cho thời gian giải quyết vụ việc kéo dài. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cũng cho rằng người ủy quyền rất quan trọng, nên người ủy quyền phải ủy quyền cho người có trách nhiệm, thay mặt cho mình để quyết định vấn đề chứ không phải ủy quyền xong lại phải chờ “xin phép”.

Về một số nội dung khác liên quan, Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nhận định, điểm khác biệt của tố tụng hành chính là bảo vệ bên đi kiện (người yếu thế) theo hướng đưa công lý cho người yếu thế.