- Bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm
- Phụ nữ làm việc nhà không được trả lương 15,5 giờ/tuần
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa thông tin về tình hình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 3/2025 trên địa bàn. Nhận định chung về thị trường lao động, đơn vị này cho rằng, nhiều nhóm lao động vẫn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao.
Theo số liệu tổng hợp, trong tháng 3/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 4.978 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,4 nghìn trường hợp so với tháng trước, và giảm 493 trường hợp so với cùng kỳ năm trước;
Thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 5.198 trường hợp, tăng 1.740 hồ sơ so với tháng 2 (3.458 hồ sơ), và tăng 727 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024. Số tiền hỗ trợ 201,4 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đây là mức tăng mạnh, phản ánh thực tế rằng một bộ phận lao động sau Tết vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 5.198 hồ sơ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận thấy nhóm lao động trẻ từ 25-34 tuổi tiếp tục đối diện nguy cơ thất nghiệp cao.
Nhóm tuổi 25-34 chiếm tỷ lệ 42,79% trong tháng 3, tăng nhẹ so với 40,44% của tháng 2/2025, và tăng đáng kể so với 39,32% của tháng 1.
Điều này khẳng định nhóm lao động trẻ vẫn là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định việc làm sau Tết. Nhóm 35-54 tuổi cũng chiếm tỷ lệ cao (46,26% trong tháng 3), tăng nhẹ so với tháng 2, nhưng giảm so với tháng 1 (50,61%).
Đáng chú ý, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có số người hưởng tăng cao. Đây là điểm đáng báo động nhất trong tháng 3. Tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh lên 56,85%, cao hơn rất nhiều so với 40,08% của tháng 2 và 46,88% của tháng 1.
“Sự gia tăng đột biến này cho thấy nhóm lao động phổ thông đang đối mặt với thách thức cực kỳ lớn, và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động hiện tại”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhận định.
Ngược lại với nhóm không có chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong tháng 3 là 33,39%, giảm đáng kể so với 40,63% của tháng 2 và 40,54% của tháng 1. Điều này cho thấy nhóm lao động có trình độ cao hơn có lợi thế rõ rệt trong việc tìm lại việc làm sau giai đoạn biến động.
Cũng theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, ngành tài chính - ngân hàng - kế toán - kiểm toán, tỷ lệ thất nghiệp ngành này tăng vọt lên 24,41% trong tháng 3, cao gấp đôi so với 11,64% của tháng 2 và cao gấp hơn 5 lần so với 4,65% của tháng 1. Đây là ngành có biến động tiêu cực mạnh nhất trong tháng 3, cho thấy sự bất ổn hoặc tái cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ.