Điểm danh những ngành nghề "thoi thóp" vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong cả 3 nhóm ngành kinh tế, tuy nhiên, lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hàng triệu người mất việc làm, giảm thu nhập vì dịch Covid-19
Hàng triệu người mất việc làm, giảm thu nhập vì dịch Covid-19

Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, từ cuối tháng 6/2021, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 khiến 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người (20% tổng số lao động).

Doanh nghiệp tạm dừng, số người ngừng việc có sự khác nhau, chênh lệch lớn giữa các vùng, các tỉnh.

Tại 19 tỉnh, thành phố phía nam hiện đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, hiện nay có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, số lao động ngừng việc gần 3 triệu người (33,4% tổng số lao động).

Tại miền Trung, diễn biến dịch phức tạp ở Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng khiến cho tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 3,4%, với số lao động ngừng việc hơn 500 ngàn người (15% tổng số lao động trong doanh nghiệp của khu vực); Đà Nẵng nơi động lực phát triển chính của vùng có 2.217 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kéo theo 33 ngàn lao động ngừng việc.

Tại miền Bắc, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang vào tháng 5 buộc Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp gồm 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150 ngàn lao động tạm ngừng việc.

Các doanh nghiệp đang trong vùng có dịch buộc phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được các tiêu chí “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm” để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa chống dịch.

Hiện nay chỉ có số ít doanh nghiệp đáp ứng được; những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 3 lần và tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%.

Theo đánh giá của Cục Việc làm, ịch bệnh covid-19 tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (có 8,9% lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%) và lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%).

Một số ngành chịu ảnh hưởng rất lớn như: Du lịch có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác;

Vận tải hàng không giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020, khiến cho khoảng 9.700 lao động (trong đó khoảng 70% lao động đi làm theo sản lượng, còn 30% đã được cho tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 6-12 tháng) của Vietnam Airlines không có công ăn việc làm vì sản lượng bay quá thấp...

Bên cạnh những ngành đã bị ảnh hưởng mạnh từ năm 2020 đến nay như du lịch, dịch vụ phục vụ cá nhân (nhà hàng, quán bar, vũ trường, dịch vụ làm đẹp…), thì đến tháng 7/2021 do dịch bệnh lan vào các khu trọng yếu của nền kinh tế như khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: chế biến thủy hải sản đến 70% doanh nghiệp bị đóng cửa vì không thể áp dụng 3 tại chỗ; ngành dệt may khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến 35% doanh nghiệp của ngành phải đóng cửa, có hơn 40 ngàn lao động khu vực phía nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách…

Cũng theo Cục Việc làm, thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, trước mắt cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời gian chống dịch.