Tổng quan về lực lượng hải quân Trung Quốc (3):

"Điểm danh" lực lượng tàu bảo vệ và bảo đảm

ANTĐ - Để thực hiện ý đồ độc chiếm biển đảo, hải quân Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh phát triển nhóm tàu có tính chất tấn công mà ít chú trọng đến nhóm tàu bảo vệ.

Tàu đổ bộ với chiến lược vươn xa

Tổng cộng hiện nay Trung Quốc đang có hơn 500 tàu, thuyền, xuồng đổ bộ các loại. Trong đó nòng cốt là 84 tàu đổ bộ thuộc lớp tàu đổ bộ đệm khí “Đại Cô” là lớp 722 (lượng giãn nước 78 tấn, năng lực vận chuyển 15 tấn), tàu đổ bộ cỡ lớn lớp 072 (lượng giãn nước 3100 tấn, tải trọng 2000 tấn), tàu đổ bộ cỡ vừa lớp 073 (lượng giãn nước tối đa 1100 tấn) và tàu đổ bộ dạng ụ nổi lớp 071. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn có hơn 150 tàu đổ bộ hạng nhẹ các loại và 10 tàu đệm khí, hiện họ đang nghiên cứu chế tạo tàu đổ bộ đệm khí tải trọng 60 tấn. Để vận chuyển lực lượng hải quân đánh bộ xung phong lên bờ, Hải quân Trung Quốc còn có trang bị đổ bộ loại nhỏ cấp phân đội là các xuồng đổ bộ, xuồng đệm khí, tàu xung phong…

Các tàu đổ bộ dạng ụ nổi lớp 071 thuộc loại tàu đổ bộ lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc hiện nay, được phỏng chế từ nguyên mẫu tàu đổ bộ LPD-17 của Mỹ. Nó có chiều dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m, lượng giãn nước đầy tải là 2,5 vạn tấn. Nó có hành trình xa nhất tới 6000km với vận tốc 22 hải lý/h, số lượng thủy thủ là 120 người. Khi tác chiến, nó có thể vận chuyển 1 tiểu đoàn hải quân đánh bộ quân số đủ 800 người và 20 xe chiến đấu bộ binh cùng với 2 tàu đệm khí cỡ lớn và 4 tàu đệm khí cỡ nhỏ. Boong tàu có sàn đỗ cho 2 chiếc trực thăng loại Z-8/AS-321, mỗi chiếc có thể vận chuyển 30 lính hải quân đánh bộ. Vũ khí chủ yếu của tàu lớp 071 là 1 bệ pháo hạm AK-176, 4 bệ pháo phòng không AK-630, 4 hệ thống phóng đa dụng kiểu 726 và 4 khẩu súng máy.

Ngày 3/9 năm nay, tiếp theo “Côn Luân Sơn” và “Tỉnh Cương Sơn”, chiếc tàu đổ bộ lớp 071 thứ 3 mang tên “Trường Bạch Sơn” đã tiến hành thử nghiệm trên biển. Ngoài việc sử dụng các tàu đổ bộ quân dụng, thời gian gần đây Hải quân Trung Quốc còn trưng dụng dịch vụ vận chuyển của các tàu vận tải dân sự. Mới đây nhất, ngày 14/08, Tập đoàn quân 54 của Đại quân khu Tế Nam đã sử dụng dịch vụ vận tải của loại tàu Ro-Ro có tải trọng gần 4 vạn tấn để vận tải đổ bộ các phương tiện xe xe tăng, pháo tự hành, xe thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh…

Ro-Ro là một loại tàu vận tải phương tiện tự hành của tổng công ty vận tải viễn dương Trung Quốc COSCO, chuyên dụng để vận chuyển các loại phương tiện siêu trường và siêu trọng tự hành hoặc có xe kéo như: ôtô, máy xúc, xe ủi, xe lu, máy gặt…, xếp ngang hàng với các loại tàu dầu, tàu container, tàu chở hàng rời (bulker), tàu chở chất lỏng, tàu chở chất khí… Hiện Ro-Ro chủ yếu phục vụ cho công tác vận tải xuất khẩu cho ngành công nghiệp ô tô giá rẻ của Trung Quốc. Loại tàu này chỉ có thể sử dụng trong thời bình.

Tàu ngầm hạt nhân lớp 094 (lớp Tấn)

Hiện nay, có thông tin cho rằng Trung Quốc đang triển khai nghiên cứu, chế tạo tàu đổ bộ dạng tàu sân bay trực thăng lớp 081, tuy nhiên thông tin này chưa được sự xác thực của các quan chức chính phủ. Hiện nay mỗi hạm đội hải quân Trung Quốc có 1 chi đội tàu đổ bộ, mỗi chi đội có 3 đại đội, mỗi đại đội có 8-10 tàu. Thường mỗi đại đội biên chế 1 loại tàu, 2 đại đội lớp 072 và 1 đại đội lớp 073, các tàu lớp 071 hiện trực thuộc Bộ tư lệnh hạm đội.

Nhóm tàu bảo vệ yếu kém

Trung Quốc hiện có khoảng trên 80 tàu cao tốc tên lửa, trong đó một nửa là tàu lớp 021 (Hồng Phong), 1 nửa là tàu lớp 022. Các tàu cao tốc tên lửa được biên chế trong chi đội tàu tên lửa loại hỗn hợp, trong chi đội chỉ có 1 đại đội tàu tên lửa còn lại là tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống ngầm…

Tàu tên lửa lớp 021 được chế tạo theo nguyên mẫu của Nga, dạng 1 thân, sản xuất đầu thập niên 70 – thế kỷ XX. Tàu có lượng giãn nước tối đa 205 tấn, hành trình 1400km, được trang bị 4 dàn tên lửa Thượng Du – 1 (SY-1) và 2 bệ pháo hạm 2 nòng 30mm. Đây là loại tàu cũ, hệ thống điều khiển và hệ thống vũ khí yếu kém, khả năng tác chiến hạn chế, loạt tàu chế tạo đầu tiên đã hết hạn sử dụng, các loạt sau cũng sắp bị thải loại.

Tàu cao tốc tên lửa lớp 022 là tàu tên lửa tàng hình 2 thân, có chiều dài 42,6m, rộng 12,2m, mớn nước 1,5m, lượng giãn nước 220 tấn, thủy thủ đoàn 12 người. Vỏ tàu được chế tạo bằng hợp kim tổng hợp cộng với lớp sơn có khả năng hấp thụ sóng radar làm cho nó có tính năng tàng hình rất tốt, vận tốc lên tới 38 hải lý/h (khoảng 70km/h), trang bị hỏa lực tấn công cực mạnh. Vũ khí chủ yếu của tàu bao gồm 1 hệ thống phóng tên lửa chống hạm YJ-82/83 với 8 quả đạn, 1 bệ pháo phòng không AK-630, 1 hệ thống tên lửa phòng không, 12 hệ thống tên lửa phòng không vác vai.

Hệ thống vũ khí trên tàu được điều khiển bởi radar sục sạo mặt nước và trên không kiểu 362, radar dẫn đường và thiết bị quan sát quang điện HHOS300. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang hợp sức của 4 nhà máy đóng tàu để đẩy nhanh tốc độ sản xuất tàu lớp 022 để thay thế cho loại tàu tên lửa không tàng hình lớp 021 và đã sản xuất được hơn 40 chiếc. Tuy vậy loại tàu này cũng có nhược điểm lớn là không có khả năng tác chiến xa bờ, thời gian hoạt động liên tục ngắn, lượng vũ khí dự trữ kém.

Tàu đổ bộ dạng ụ nổi lớp 071 số hiệu 998 (Côn Luân Sơn)

Hiện Trung Quốc đang sở hữu lực lượng tàu trinh sát chống ngầm đông đảo nhưng chất lượng không cao. Đa số các tàu này đều thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa 037 được cải biên một chút để phục vụ công tác chống ngầm. Hiện họ có khoảng gần 80 chiếc thuộc các lớp 037I/IS/JZ/LS nhưng đều đã cũ, trang thiết bị lạc hậu, khả năng trinh sát, phát hiện còn kém hơn cả trực thăng chống ngầm. Thường mỗi hạm đội Trung Quốc tổ chức 3 đại đội tàu săn ngầm, các đại đội này trực thuộc chi đội tàu tác chiến hoặc trực thuộc căn cứ hải quân trọng yếu, biên chế chuẩn mỗi đại đội là 8 – 10 tàu. Hiện hạm đội Nam Hải có 3 đại đội, 1 đại đội trực thuộc căn cứ bờ Bắc Hải – Quảng Tây (căn cứ này giáp Việt Nam, phụ trách khu vực biển vịnh Bắc bộ). 2 đại đội còn lại đóng ở Từ Văn – Quảng Đông và Dương Phố - Hải Nam.

Trong số các tàu bảo vệ, lực lượng tàu rà quét mìn của Trung Quốc kém phát triển nhất và ít được chú trọng đầu tư. Hiện nay lực lượng này còn không quá 30 chiếc, chủ yếu là sản xuất từ những thập niên 80 thế kỷ trước. Phần lớn các tàu thuộc lớp 6610 phụ trách rà quét mìn khu vực căn cứ hải quân, còn lại 8 chiếc thuộc các lớp 082/A/G làm nhiệm vụ rà quét mìn trong cảng, vịnh. Các tàu này còn kiêm luôn cả nhiệm vụ rải lôi, phong tỏa luồng đường, cảng, vịnh và các khu vực nhỏ trên biển. Mỗi hạm đội Trung Quốc chỉ có 1 đại đội biên chế từ 8 – 10 tàu.

Về tàu bảo đảm, hải quân Trung Quốc có 1 tàu bệnh viện cỡ lớn là tàu bệnh viện “Hòa Bình” được trang bị vào cuối năm 2008. Tàu này dài 178m, rộng 25m, mớn nước 6m, lượng giãn nước 1,4 vạn tấn, tốc độ tối đa 20 hải lý, thủy thủ đoàn 309 người, nhân viên y tế 107 người. Nó có 8 boong có thể đồng thời lắp đặt các thiết bị điều trị với 32 phòng bệnh và 300 chỗ nằm, hơn 1500 loại dược phẩm y tế. Tàu còn được trang bị trực thăng cứu hộ Z-8JH, mỗi chuyến có thể chở được 27 bệnh nhân.

Ngoài ra họ còn có một số loại tàu bổ trợ khác như: tàu kéo, tàu dầu, tàu hậu cần, tàu cứu hộ, tàu khảo sát, tàu công trình…