“Điểm danh” các ngân hàng trễ hẹn nhưng chưa chịu lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù đã quá thời hạn bắt buộc phải niêm yết trên yết trên sàn chứng khoán nhưng đến nay vẫn còn nhiều ngân hàng “án binh bất động”, chưa công bố kế hoạch lên sàn. Cơ quan quản lý cho biết sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp này.

Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (HoSE, HNX) hoặc sàn UPCoM.

Trước đó, yêu cầu này cũng đã được đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Đồng thời, tại Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 cũng quy định phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức.

Đây là lý do mà hàng loạt ngân hàng đã chạy đua để kịp niêm yết hoặc chuyển sàn sang HoSE. Mới đây nhất, ngày 23/12/2020, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã chính thức niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu trên HoSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt hơn 17.625 tỷ đồng. MSB là ngân hàng đầu tiên và cũng là ngân hàng duy nhất niêm yết mới trên HoSE trong năm 2020.

Dù đã đến hẹn nhưng một số ngân hàng vẫn chưa "nhúc nhích" lên sàn

Dù đã đến hẹn nhưng một số ngân hàng vẫn chưa "nhúc nhích" lên sàn

Cùng với đó, một số ngân hàng cũng đã tiến hành chuyển sàn từ HNX hoặc UPCoM sang HoSE. Có thể kể đến ACB của Ngân hàng Á Châu, VIB của Ngân hàng VIB, LPB của LienVietPostBank.

Tại sàn UPCom, trong cuối năm 2020 cũng đã đón một “tân binh” là Ngân hàng An Bình (ABBank) và PGBank.

Như vậy, tính đến nay, mới có 23 trong tổng số 31 ngân hàng niêm yết trên cả 3 sàn. Trong đó, có 14 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, VPBank, Eximbank, HDBank, MB, Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB, ACB, LienVietPostBank và MSB); 2 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX (SHB, NCB, ABB) và 7 ngân hàng đang giao dịch trên sàn UPCoM (Bắc Á Bank, Kienlongbank, Vietbank, VietcapitalBank, Saigonbank, Nam Á Bank, PGBank).

Cùng với đó, theo kế hoạch, nhiều ngân hàng khác cũng sẽ “đổ bộ” sàn HoSE ngay trong đầu năm nay. Trong đó, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã được HoSE chấp nhận niêm yết hơn 1.096 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 10.959 tỷ đồng. Hay SeABank cũng đang có những kế hoạch cấp tập để chuẩn bị sau khi được HoSE chấp thuận niêm yết hơn 1.200 triệu cổ phiếu.

Thời gian niêm yết của hai nhà băng này dự kiến trong quý I/2021.

Có thể thấy, với bối cảnh thuận lợi của thị trường chứng khoán cuối năm 2020, đầu 2021 thì hầu hết các ngân hàng đã rốt ráo thực hiện kế hoạch lên sàn. Tuy nhiên, ngoại trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank), hiện vẫn còn một số ngân hàng “án binh bất động”, chưa có kế hoạch niêm yết cụ thể. Có thể kể đến VietA Bank, BaoViet Bank, PVCombank, SCB.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý 1/2021, trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Theo đó, nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.