Diêm dân Cát Hải: Phấp phỏng mừng - lo 

(ANTĐ) -Gần đây, trên khắp các cánh đồng muối cả nước, có không ít ruộng muối bị bỏ hoang, đàn ông, trai tráng, thậm chí cả phụ nữ cũng khăn gói đi làm ăn xa. Nhưng từ cuối năm 2007 đến nay, giá muối đột ngột tăng cao gấp 3 - 4 lần so với trước (khoảng 1.400-1.500đ/kg) đã khiến nhiều diêm dân “mặn mà” hơn với nghề muối. Chúng tôi về “vựa muối” Cát Hải, Hải Phòng trong những ngày nơi đây đang sục sôi phong trào khôi phục và phát triển nghề.

Diêm dân Cát Hải: Phấp phỏng mừng - lo 

(ANTĐ) -Gần đây, trên khắp các cánh đồng muối cả nước, có không ít ruộng muối bị bỏ hoang, đàn ông, trai tráng, thậm chí cả phụ nữ cũng khăn gói đi làm ăn xa. Nhưng từ cuối năm 2007 đến nay, giá muối đột ngột tăng cao gấp 3 - 4 lần so với trước (khoảng 1.400-1.500đ/kg) đã khiến nhiều diêm dân “mặn mà” hơn với nghề muối. Chúng tôi về “vựa muối” Cát Hải, Hải Phòng trong những ngày nơi đây đang sục sôi phong trào khôi phục và phát triển nghề.

Chưa kịp mừng...

Dạo một vòng quanh đồng muối, tôi được giới thiệu đến gặp bác Đoàn Hữu Thành, một “cựu”  xã viên HTX Đại Đồng, xã Đồng Bài, huyện Cát Hải. Nhà bác có 1.500m2 diện tích làm muối, mỗi năm sản lượng từ 25 đến 30 tấn. Quệt những giọt mồ hôi rơi đầm đìa trên mặt, bác nói, giọng hỉ hả: “Từ khi muối lên giá, diêm dân ai cũng phấn khởi, tự tin với nghề. Trong làng, ngoài xã, hễ rỗi việc là người ta gọi nhau ra đồng. Tranh thủ làm lúc nắng to, ngày cật lực cũng được 4-5 bao muối (95.000đ/bao). Nhiều người đi xa, nghe nói muối được giá cũng trở về. Làng xóm đông đúc, có phong trào phát triển kinh tế, nghĩ cũng mừng cô ạ!”.

Không giống với những nơi khác, quy trình làm muối ở Cát Hải trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều công sức vì nước ở vùng cửa biển này rất nhạt. Nhưng bù lại, muối Cát Hải nổi tiếng vì có vị đượm đà, dùng để ăn hoặc làm mắm đều rất ngon.

Giá muối tăng đã "kéo" diêm dân trở lại với nghề.
Giá muối tăng đã "kéo" diêm dân trở lại với nghề.

Đã có thời, thương hiệu muối Cát Hải cùng với những HTX nổi tiếng như Đại Nghĩa, Hoàng Châu, Đồng Bài... đã làm khuynh đảo nhiều thương hiệu khác trên toàn quốc. Có thời điểm, nông dân HTX Đại Nghĩa đã đạt kỷ lục về sản lượng muối với 110 tấn/ha. Những năm 1986, 1987, giá muối vào khoảng 1,5 triệu đồng/tấn trong lúc giá cả còn thấp thì nghề muối ở đây được coi là nghề “Vosco cạn” (nghề đi tàu viễn dương) trên cạn. Thế rồi giá muối dần bị chao đảo và cứ tụt dốc xuống còn 300-400đ/kg đã khiến nhiều diêm dân bỏ nghề.

Chị Tô Thị Tựa, người có chồng và 2 con trai vừa từ Bình Dương trở về nói: “Gia đình tôi 5 đời làm muối. Vì đây là nghề truyền thống của cha ông, mình không thể bỏ được, nhưng cả nhà đến 5-7 miệng ăn, cứ trông chờ vào ruộng muối thì chết đói. Trước kia, với giá cao nhất là 500đ/kg, bình quân một lao động trong năm, trừ chi phí chỉ còn 5-6 triệu đồng, làm sao đủ sống? Thế nên đàn ông cứ dần bỏ làng đi hết. Những ngày ấy, vào làng cứ như đi vào chùa, vắng vẻ, đìu hiu lắm!”.

Bây giờ, giá muối tăng cao khiến diện tích đồng muối trong xã mở rộng và nhân lực làm muối cũng tăng lên. Theo ông Nguyễn Văn Tòng - Chủ tịch UBND xã Đồng Bài, hiện nay xã có 256 hộ thì có 240 hộ làm muối, những hộ còn lại chủ yếu do già yếu không thể lao động được. Với diện tích 31ha toàn xã, trước kia chỉ có từ 1 đến 2 nhân lực lao động thì nay tăng lên 3 - 4 người.

 Nghề làm muối chỉ rộ từ tháng 4 đến tháng 8, nhưng chỉ cần 3 tháng nắng, người ta cũng có thể thu nhập được 80% tổng thu nhập cả năm. Cứ với mức giá cả như hiện nay, thì 1 lao động được mùa sẽ làm được bình quân từ 10-12 tấn muối/năm, tương đương với 12-15 triệu đồng/năm.

...Đã vội lo

Hiện nay, tổng cầu về muối cả nước khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi tổng cung trong nước mới đạt 900.000 tấn/năm trên tổng diện tích 13.000ha. Nghĩa là mỗi năm Việt Nam vẫn thiếu trên dưới 200.000 tấn/năm cho cả muối ăn và muối công nghiệp. Năm 2008, bên cạnh việc nhập khẩu muối công nghiệp, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn muối ăn. Nguồn muối nhập chủ yếu từ ấn Độ, úc với giá cao hơn mức giá trong nước (nhập về đến cảng Việt Nam có giá khoảng 1.600đ/kg).

Về phía diêm dân, thông tin này đã làm “náo động” tất cả các vựa muối. Niềm vui vì giá muối tăng, giúp diêm dân cải thiện và ổn định đời sống chưa được bao lâu, thì nay lại nghe tin Chính phủ nhập khẩu muối khiến nhiều người... lo ngại. Nhất là những người trước kia đi làm ăn xa, nay muốn trở về, vừa gắn bó với đồng muối, vừa được gần gũi gia đình, vợ con. Nhưng đầu tư lại trang thiết bị cơ bản phục vụ cho sản xuất cũng phải mất ít nhất từ 7-8 triệu đồng, “mất toi” 1 năm “còng lưng” làm muối.

Anh Nguyễn Văn Sinh, HTX Đại Nghĩa, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải nói: “Có những năm mưa bão nhiều, không làm được muối, trong khi giá lại quá thấp, xã viên chúng tôi phải vay tiền lo từng bữa ăn. Nay Nhà nước nhập khẩu muối, nếu muối lại dịch chuyển về giá cũ thì chúng tôi đến bỏ nghề mất...”.

Nước ta có 3.260km bờ biển, việc thiếu muối ăn là điều không ai nghĩ tới. Nhưng làm sao để có nhiều muối sạch, hàm lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp, tiến tới không phải nhập khẩu muối thì cần có chính sách đầu tư sâu, rộng hơn cho các vùng sản xuất muối. Tin rằng, có chính sách đầu tư hợp lý, ổn định giá muối sẽ “kéo” diêm dân quay trở lại với nghề.

Lê Thu Hà