Điểm cộng cho "ngoại giao y tế"

ANTĐ - Phái đoàn bác sĩ và nhân viên y tế Cuba vừa hoàn thành nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ 3 nước Tây Phi chống lại dịch bệnh Ebola và sẽ trở về nước trong vài ngày tới. Lại thêm một điểm cộng nữa cho chính sách “Ngoại giao y tế” nổi tiếng của Cuba.  

Điểm cộng cho "ngoại giao y tế" ảnh 1Đoàn bác sĩ Cuba đến Sierra Leone cứu chữa bệnh nhân Ebola

Phái đoàn đầu tiên về nước là nhóm 53 bác sĩ từng làm việc 4 tháng tại Liberia, những người đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân và cứu sống ít nhất 50 người nhiễm virus Ebola. Tổng cộng, Cuba đã cử 165 y bác sĩ tới Sierra Leon, 53 người tới Liberia và 38 người tới Guinea - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này. Theo thống kê chính thức, phái đoàn y tế Cuba đã điều trị trực tiếp cho gần 2.000 bệnh nhân Ebola và cứu được gần 400 sinh mạng. 

Kể từ khi bùng phát vào đầu năm 2014, dịch bệnh Ebola đã khiến hơn 24.000 người bị nhiễm bệnh, trong đó gần 10.000 người đã tử vong. Ước tính, trong giai đoạn 2014-2017, hàng năm, mỗi quốc gia từng bị dịch Ebola hoành hành chịu thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD, trong khi các nước khác trong khu vực cũng bị mất trắng hàng tỷ USD. Tổn thất kinh tế liên quan đến dịch Ebola ở Tây Phi có thể lên tới hơn 32 tỷ USD vào cuối năm 2015. Nếu không ngăn chặn được, Ebola có thể trở thành “đại dịch AIDS kế tiếp”.

Đặt trong bối cảnh đó, mới thấy hết nỗ lực của đất nước Cuba. Không phải là nước giàu bởi GDP chưa tới 100 tỷ USD, lại bị Mỹ bao vây cấm vận hơn nửa thế kỷ qua, nhưng phản ứng của Cuba với Ebola mạnh mẽ hơn bất kỳ nước giàu có nào. Trong khi các nước lớn chỉ dừng lại ở việc cam kết góp tiền hoặc đóng góp không tương xứng với vị thế quốc gia, Cuba cùng một vài tổ chức phi chính phủ khác đã mang đến đây điều cần thiết nhất: nhân viên y tế.

Đóng góp của Cuba về mặt nhân lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến với Ebola. Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định: “Tiền bạc và vật chất rất quan trọng nhưng không thể ngăn Ebola lây lan. Nhân lực rõ ràng là thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần”.  Thành quả công việc của các y bác sĩ Cuba không chỉ góp phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân phơi nhiễm virus Ebola tại châu Phi, mà còn giúp phòng ngừa dịch bệnh chết người này lây lan.

Ebola không phải là thảm họa đầu tiên mà Cuba cử nhân viên y tế ra nước ngoài giúp các quốc gia khác đối phó. Lật lại lịch sử, ngay từ năm 1960, Cuba đã đưa bác sĩ tới Chile để hỗ trợ nước này sau trận động đất khủng khiếp. Dấu chân của các chuyên gia y tế Cuba đã in đậm ở hàng chục quốc gia từ châu Mỹ, châu Phi cho đến châu Á. “Lữ đoàn y tế” của Cuba đã giúp nạn nhân bị động đất tàn phá ở nhiều quốc gia như Ai Cập, Mexico, Armenia, Pakistan… Thậm chí, Cuba còn từng đề nghị đưa bác sĩ tới Mỹ sau khi nước này bị tàn phá bởi cơn bão Katrina năm 2005 nhưng bị từ chối.

“Ngoại giao y tế” đã trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại Cuba. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Julie Feinsilver, chính sách này đã giúp Cuba thể hiện sự thiện chí, ảnh hưởng và uy tín – điều vượt ra ngoài tầm của một nước nhỏ, đang phát triển và góp phần giúp cho Cuba có được một “vai diễn” trên “sân khấu” thế giới.

Tính đến nay, đất nước vùng Caribbe này đã gửi hơn 135 nghìn nhân viên y tế đến nhiều nơi trên thế giới. Còn hiện tại, hơn 50 nghìn nhân viên y tế Cuba đang làm việc ở 66 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Cuba cũng đã đào tạo được hàng nghìn bác sĩ và y tá cho khoảng 121 nước đang phát triển. Việc Cuba cử bác sĩ và y tá đến Tây Phi để giúp các nước chiến đấu với dịch bệnh Ebola là ví dụ mới nhất về thương hiệu nổi tiếng “Ngoại giao y tế” của nước này.