Dịch vụ "cho vay khỏa thân" ở Trung Quốc

ANTD.VN - Nắm bắt được nhu cầu vay tiền của từng khách hàng, phía cho vay bao gồm các ngân hàng cho tới đại lý cho vay nặng lãi đều có nhiều cách để xác minh khả năng trả nợ cũng như chống “bùng” nợ. Đó có thể là những bức hình nữ sinh bị ép khỏa thân.

Dịch vụ cho vay trá hình

Ngày càng có nhiều nữ sinh viên đại học tại Trung Quốc trở thành mục tiêu của những kẻ cho vay nặng lãi khi việc vay nợ hết sức dễ dàng thông qua các loại “tài sản đảm bảo” biến tướng. Đơn giản như chỉ với một bức ảnh khỏa thân, các cô gái cũng có thể vay tiền. Trường hợp khách hàng không trả đủ gốc lẫn lãi đúng hạn, tấm ảnh đó sẽ bị tung lên mạng.

Có nhiều người cầu cứu cảnh sát hoặc cha mẹ giúp đỡ nhưng gần như vô ích. Theo China Youth Daily, ảnh và video của 167 cô gái trẻ cùng với địa chỉ liên lạc cá nhân và người thân đã bị rò rỉ trên mạng. Các chi tiết tiết lộ, những cô gái này chủ yếu là nữ sinh, trong độ tuổi 19-23, bị ép chụp ảnh khỏa thân để làm thế chấp vay nặng lãi.

Đề phòng sự giám sát của chính quyền, các đại lý cho vay nặng lãi đã cung cấp dịch vụ “cho vay khỏa thân” (naked loans) trên mạng xã hội, nở rộ nhất là trên QQ. Các nhóm cho vay nặng lãi với hơn 2.000 thành viên, thường lấy tên “cho vay trái cây”, “trả bằng thịt” hay “xúc xích” để trốn tránh cơ quan chức năng.

Một phóng viên của Báo China Youth Daily đã đăng tin lên nhóm “cho vay hoa quả” và lập tức được ba người liên hệ, mời chào “cho vay khỏa thân”. Một người có tên Liu Hui cho biết, dịch vụ này chỉ áp dụng với sinh viên nữ, lãi suất 25% một tháng. Để thế chấp, người vay phải gửi 3 ảnh, trong đó có ảnh khỏa thân cầm chứng minh nhân dân và một video dài 3 phút quay trong bồn tắm.

Tháng 6 vừa qua, một người có tên Li Li đã trình báo cảnh sát vì vay nặng lãi 500 nhân dân tệ với lãi suất theo tuần là 30% nhưng không trả nổi. Lãi mẹ đẻ lãi con, khi số tiền lên đến 10.000 nhân dân tệ, nhóm cho vay ép cô gửi ảnh khỏa thân cầm chứng minh nhân dân làm thế chấp. Khi báo cảnh sát, khoản vay đã lên tới 55.000 nhân dân tệ. Bên cho vay nhiều lần gọi điện cho Li Li đe dọa sẽ thông báo cho người thân và công bố những tấm ảnh trên.  

Nếu không trả nổi tiền, nhóm “trả bằng thịt” sẽ liên hệ với nạn nhân, yêu cầu “trả nợ” bằng cách bán dâm. Ảnh khỏa thân của nạn nhân cũng được rao bán. Để vào xem ảnh khỏa thân, người mua phải trả 80 nhân dân tệ cho gói tiêu chuẩn và có thể nâng lên gói VIP 130 nhân dân tệ để miễn phí xem ảnh mới trong một năm.

Ông Zhang Xinnian, một luật sư ở Bắc Kinh nhận định, những hoạt động cho vay nặng lãi này vi phạm luật pháp, có thể bị xử lý hình sự. “Cho vay với lãi suất quá 24% là hành vi phạm luật. Bên cho vay đăng ảnh khỏa thân và video của người vay lên mạng, vi phạm luật truyền bá vật phẩm đồi trụy. Đăng thông tin cá nhân của người vay và người thân lên mạng vi phạm luật bảo hộ thông tin cá nhân của công dân. Gọi điện thoại đe dọa người vay phạm luật gây rối trật tự trị an. Những hành vi này có thể bị xử lý hình sự”, luật sư Zhang Xinnian cho biết.

Theo Wall Street Journal, các nhà cho vay tiền còn vào từng nhà, đếm số bàn chải đánh răng và vào bếp để tìm chén đĩa bẩn, để biết có bao nhiêu người ở. Họ còn chụp ảnh người vay tiền tiềm năng đang lao động để xác minh tình trạng việc làm. Nhà cho vay cũng tập hợp dữ liệu chuyển khoản cùng các thông tin khác từ hàng chục công ty Internet gồm Baidu, Tencent.

Việc xác minh mức độ tín nhiệm của người vay tiền rất khó khăn tại Trung Quốc bởi người dân có thói quen dùng tiền mặt, ngoài ra, sự xuất hiện của những trò gian lận khiến các thông tin cơ bản rất khó được xác minh.

Dữ liệu chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ gồm lịch sử tín dụng cá nhân của chưa đầy 1/3 dân số nước này. Dù Trung Quốc dân số đông và thịnh vượng, đa phần người dân không bao giờ thế chấp hoặc sử dụng thẻ tín dụng, nên bên cho vay thường không có thông tin tin cậy về người vay tiền tiềm năng.

Ngân hàng “ăn dơ” với “cò”

Chính phủ Trung Quốc cấm chuyện đóng một khoản tiền trả trước (đặt cọc) để mua nhà. Tuy nhiên, các ngân hàng lại “ăn dơ” với những tay môi giới cho vay độc lập hoặc “cò” nhà đất để chuyển tiền cho người vay mua nhà. Không hiếm trường hợp, các ngân hàng đã nhắm mắt làm ngơ với người cho vay. Li Ling, một “cò” nhà đất ở Bắc Kinh cho biết sẵn sàng phớt lờ quy định, vẫn cho khách hàng đặt cọc.

Trên lý thuyết, người dân nước này không được vay tiền mua nhà, nhưng Công ty môi giới cho vay Xiao Zhu có cách để “dụ” khách hàng. Công ty sẽ thu xếp một hợp đồng, chẳng hạn một hợp đồng trang trí nội thất, rồi khai man rằng vay tiền cho khoản sửa sang nhà cửa.

Tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, nhân viên của Công ty môi giới cho vay Xiao Zhu luôn tất bật tư vấn cho các khách hàng tiềm năng. Trên tường là poster của các công ty tài chính lớn như các Ngân hàng Ping An, Ngân hàng Nam Kinh…

Nền kinh tế giảm tốc, Chính phủ Trung Quốc muốn nuôi dưỡng văn hóa tín dụng để khuyến khích người dân chi tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Mục tiêu này sẽ dễ dàng hơn khi tỷ lệ người dân sử dụng tiền đi vay tăng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chuyển dịch thế hệ sẽ giữ một vai trò lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Những người trong độ tuổi từ 18-35 đang chuyển sang xu hướng vay mượn để chi tiêu thay vì tiết kiệm, chắt bóp như các thế hệ trước. 

Ngân hàng thế giới ước tính 79% dân số Trung Quốc trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 10% vay tiền của hệ thống tài chính chính thức. Các ngân hàng Trung Quốc chủ yếu cho các tập đoàn Nhà nước lớn vay tiền, nên chỉ có một lượng khách hàng khiêm tốn.