Dịch thuật trong thực tế xuất bản: Phục tùng nhưng vẫn cần sáng tạo

ANTĐ - Sau những tranh cãi chưa có hồi kết về bản dịch “Những thứ họ mang” của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, ranh giới về độ chính xác và sự sáng tạo, giữa nghệ thuật và sự phản cảm một lần nữa được đặt ra đối với chính những dịch giả đang làm nhiệm vụ mở cánh cửa văn học nhìn ra thế giới. 

Dịch giả Lê Hồng Sâm: “Dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo”

Định hướng về “độ” 

Tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” với sự góp mặt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng các dịch giả tên tuổi Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ và cả những dịch giả trẻ như Lương Việt Dũng, Đào Bạch Liên đã làm sáng tỏ phần nào những vấn đề nóng hổi trong giới dịch thuật. Nhiều độc giả và người trong nghề đã tán thành quan điểm của dịch giả kỳ cựu Lê Hồng Sâm khi ông cho rằng “Dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo” mà trước hết dịch giả phải tôn trọng tác giả. Nhưng sự phục tùng ấy phải đi kèm với sự sáng tạo mà dịch giả đôi khi phải sống cùng tác phẩm để hiểu và truyền đạt tới độc giả. Vì ranh giới giữa “sự thiêng liêng, cao cả hay hài hước” dường như là rất nhỏ, mà mỗi dịch giả phải có định hướng cho bản thân mình về cái gọi là “độ” và chừng mực.

Thực tế trong tác phẩm văn học nước ngoài, dịch giả gặp phải không ít khó khăn bắt nguồn từ những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa mà họ loay hoay tìm cách xử lý cho vẹn cả đôi đường. Dịch giả trẻ Lương Việt Dũng - một trong số ít những dịch giả tiếng Nhật cho rằng sự sai sót trong dịch thuật không thể đổ hoàn toàn cho thiếu cẩn trọng, cẩu thả vì trên thực tế có những phương ngữ ở những vùng miền đòi hỏi dịch giả có khả năng nắm bắt về ngôn ngữ và sự thông hiểu về văn hóa vùng miền ấy. 

Từ những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, dịch văn học
là nghề không đơn giản

Dịch đúng liệu có hay?

Xu hướng “ngoại lai” hay “bản địa hóa” trong tác phẩm văn học cũng được dịch giả Trịnh Lữ và Lương Việt Dũng bày tỏ sự quan tâm. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, trước đây, người dịch thường “bản địa hóa” những tên tuổi, địa danh để người đọc tiếp cận dễ dàng thì nay, với sự phát triển về trình độ nhận thức, văn hóa của độc giả, các dịch giả có xu hướng trung thành với bản dịch gốc. Đồng tình với quan điểm này, dịch giả Lương Việt Dũng dẫn chứng, các tác phẩm văn học ở Nhật Bản cũng đã chuyển dần từ xu hướng phỏng dịch sang dịch sát với nguyên tác để người đọc có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nền văn học thế giới. 

Sự phản hồi mạnh mẽ của độc giả và dư luận trong thời gian gần đây đối với bản dịch gây tranh cãi như “Những thứ họ mang”, theo dịch giả Trịnh Lữ là bắt rễ từ chính mong đợi sẵn có của họ về một bản dịch tương ứng với tác phẩm họ đã biết. Những tranh cãi nảy sinh quanh vấn đề ngôn ngữ trong tác phẩm thực chất sâu xa chính là về phương diện văn hóa.

Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói, bản dịch là sự tiếp biến, thương lượng giữa hai nền văn hóa, dịch giả phải tìm được thứ ngôn ngữ thuần túy có thể đứng giữa các thứ ngôn ngữ để đi tới phần đông người đọc. Ông viện dẫn trường hợp bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung của dịch giả Hàn Giang Nhạn, tuy có nhiều lỗi sai nhưng vẫn được độc giả yêu thích bởi họ yêu mến, quen với văn phong, giọng điệu đặc trưng của ông mà những dịch giả khác không dễ có được. Vấn đề thường gặp phải trong các tác phẩm nước ngoài chính là những “dây leo”, lắt léo mà người dịch phải tìm ra phương pháp để truyền tải một cách rõ ràng nhất tới người đọc mà không vi phạm văn phong của tác giả. Đối với đứa con tinh thần của mình, dịch giả phải có trách nhiệm, cẩn trọng khi thực hiện sứ mệnh cầu nối ngôn ngữ đến với độc giả, đừng để vì một sơ suất mà như chậu nước đổ đi.