Dịch tay chân miệng vẫn diễn biến bất thường

ANTĐ - Dịch tay chân miệng đang diễn biến rất xấu tại các tỉnh phía Nam với số ca mắc từ đầu năm đến nay đã tăng hơn gấp đôi tổng số ca mắc cả năm ngoái. Tại phía Bắc, cũng bắt đầu ghi nhận một số bệnh nhi tử vong do tay chân miệng.
 Khám bệnh sớm cho trẻ để phát hiện các triệu chứng bệnh kịp thời
 Khám bệnh sớm cho trẻ để phát hiện các triệu chứng bệnh kịp thời
 

Gia tăng số ca tử vong
Điều đáng lo ngại nhất là dịch tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường, số lượng mắc đang gia tăng quá nhanh trong khi theo kinh nghiệm hàng năm thì thường từ tháng 9 tới tháng 11 mới là cao điểm của dịch. Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này đã ghi nhận 56 ca tử vong, trong đó 50 ca tập trung ở khu vực phía Nam. Ở khu vực phía Bắc mới đây cũng đã ghi nhận thêm 2 bệnh nhi ở Thanh Hóa tử vong do bệnh này. Với diễn biến bất thường hiện tại, quả thực rất khó nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới.
Điểm đáng mừng duy nhất là theo những báo cáo giám sát và nghiên cứu của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thì hiện chưa phát hiện có sự biến đổi nào về virus gây bệnh tay chân miệng. Ở khu vực phía Nam, theo kết quả giám sát xét nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc tay chân miệng do EV 71 (chủng virus gây bệnh cảnh nặng) vẫn chiếm khoảng 20% trong tổng số ca mắc, với phân tuýp chủ yếu là C4, C5. Tại miền Bắc, số mắc thấp hơn song tỷ lệ mắc do EV71 cũng chiếm một tỷ lệ khá cao.  

Ban hành hướng dẫn mới
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 19-7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng mới. Hướng dẫn mới này đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về các triệu chứng, thể bệnh, cách xét nghiệm, chẩn đoán và phân biệt bệnh tay chân miệng với bệnh loét miệng, phát ban, viêm não... Đặc biệt, cần chú ý đến các dấu hiệu chứng thần kinh: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não; Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch... để thực hiện theo đúng phác đồ cho phù hợp, tránh và giảm bớt tình trạng tử vong.
 Cũng theo hướng dẫn này, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Do đó, cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng. Cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong     8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu: Sốt cao trên 39 độ C; Thở nhanh, khó thở; Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; Đi loạng choạng; Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; Co giật, hôn mê. Điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, cần tổ chức phòng bệnh. Đối với người dân cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; Cách ly trẻ bị bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.