Dịch tai xanh đang lan nhanh

ANTĐ - Dịch tai xanh đã và đang có dấu hiệu bùng phát rộng rãi tại các tỉnh, thành trên cả nước. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đang cầu cứu vaccine, coi đây như một liều thuốc thần. Tuy nhiên, liệu chỉ dựa vào vaccine có dập được dịch bệnh?

Dịch bệnh năm nào cũng xảy ra gây thiệt hại lớn cho nông dân

Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều qua 29-5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định, dịch tai xanh đang diễn biến khó lường, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc là những nơi có ổ dịch nên nguy cơ phát dịch là rất cao. Hiện nay, điểm nóng của dịch tai xanh đang diễn ra ở tỉnh Bắc Ninh, đang lây lan tới 4 huyện, 361 hộ, 23 xã, làm gần 4.000 con lợn mắc bệnh trong đó đã chết và tiêu hủy 1.824 con.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến dịch lây lan nhanh và nghiêm trọng như hiện nay, đại diện Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tại tỉnh, chúng tôi đã làm hết sức từ phòng chống, tuyên truyền tới dập dịch nhưng không thể khoanh vùng dập dịch vì vaccine quá thiếu. Chúng tôi chỉ tiêm khoanh vùng theo phạm vi thôn, trong khi, về nguyên tắc phải tiêm phòng theo phạm vi xã, bởi vậy, dịch nhảy cóc rất nhanh”.

Cùng trong cảnh thiếu vaccine, ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hòa Bình cho biết: “Trong bối cảnh một tỉnh nghèo đang phải vật lộn để phòng chống dịch như Hòa Bình thì vaccine phòng chống dịch là rất cần thiết. Có vaccine, việc khoanh vùng dập dịch sẽ được triển khai triệt để và hiệu quả hơn”. Nếu được cung ứng đầy đủ vaccine thì việc dập dịch sẽ chủ động và hiệu quả hơn, ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh khẳng định. Được cung cấp vaccine đầy đủ, địa phương sẽ rất chủ động trong vấn đề khoanh vùng dập dịch trên diện rộng, tránh tình trạng dịch nhảy cóc sang các địa phương khác. Chúng tôi rất mong được Bộ NN&PTNT cấp thêm vaccine để tiêm phòng luôn cho đàn lợn nái và giống nhằm tăng khả năng miễn dịch. 

Trước nhu cầu vaccine cấp thiết của các tỉnh, ông Diệp Kỉnh Tần cho biết, Bộ đang khẩn trương nhập 300.000 liều trong thời gian nhanh nhất. “Mặt khác, Bộ đang kiến nghị Chính phủ cho phép nhập thêm vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của địa phương, bởi 500.000 liều vaccine dự trữ đã cấp hết cho các tỉnh nhưng vẫn không đủ”. Bên cạnh đó, dù năm nào quỹ dự phòng vaccine phòng chống tai xanh cũng cấp cho các tỉnh, nhưng dịch hiện vẫn xuất hiện và lây lan rộng. Bởi vậy, Bộ này đang tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng Quỹ dự phòng vaccine tai xanh trong phòng chống dịch để báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Song, để việc phòng chống dập dịch tai xanh đạt hiệu quả,  Bộ yêu cầu các địa phương phải chống dịch quyết liệt hơn nữa, tiêm phòng vaccine đúng quy trình, nếu không làm đến nơi đến chốn thì cấp thêm vaccine cũng không giải quyết triệt để được dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hàng chục năm nay, song hầu hết vẫn rơi vào thế bị động, phụ thuộc lớn vào vaccine tiêm phòng. “Như đợt cúm hồi tháng 2 vừa qua, đến khi dịch bùng phát dữ dội, các tỉnh, thành mới nháo nhào kêu thiếu vaccine dập dịch. Lúc đó Bộ NN&PTNT cũng mới xin nhập khẩn cấp. Phòng dịch nhưng toàn phải đi chống, chữa cháy khi dịch đã lan ra ngoài tầm kiểm soát”, một chuyên gia cho biết.