Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và nguy hiểm thế nào?

ANTD.VN - Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan với tốc độ nhanh chóng tại nhiều quốc gia và tại Việt Nam dịch tả lợn đã xuất hiện ở hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Mặc dù, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nếu để lây nhiềm trên diện rộng, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến thị trường cùng như việc xuất khẩu thịt heo. Vậy dịch tả lợn châu Phi đáng sợ, nguy hiểm và lây lan nhanh như thế nào?

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi ở TP Hưng Yên ở huyện Yên Mỹ.

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ của các hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và nguy hiểm thế nào? ảnh 1 

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại Hưng Yên và Thái Bình

Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh tại quốc gia thế nào?

Theo Dân Việt, năm 1921, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi.

Năm 1957, lần đầu tiên bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia - Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.

Năm 2007, bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.

Từ cuối năm 2017 đến nay, có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hunggari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và nguy hiểm thế nào? ảnh 2 

Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh với tốc độ chóng mặt

Theo OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.

Tại Châu Á, dịch tả lợn xuất hiện vào năm 2017, dịch bệnh đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn và động vật nhiễm bệnh tại nước này, đồng thời dịch bệnh cũng gây quan ngại lớn cho ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Tại Nhật Bản, từ đầu tháng 9-2018 nước này ghi nhận trở lại dịch bệnh tả lợn (tên tiếng Anh là: Hog Cholera, Classical Swine Fever hoặc Swine Cholera) tại một nông trại tại miền Trung sau 26 năm (kể từ năm 1992). Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn gây ra bởi một loại vi rút họ Flaviridae, có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ lợn chết cao (lên đến 90%) với các triệu chứng xuất huyết.

Bệnh khó loại trừ và chưa có vaccine phòng chống

Theo nghiên cứu của OIE, bệnh dịch tả heo châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và nguy hiểm thế nào? ảnh 3 

Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa

Virus gây ra bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Cũng theo OIE, "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt heo khác. Tuy nhiên nó có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.

Theo các chuyên gia của FAO, virus của dịch tả lợn hiện không có vaccine, không thể chữa nhưng không phải là nguy cơ trực tiếp đối với con người. Đây là một chủng độc lực cao, virus này sẽ khiến 100% số lợn bị nhiễm bệnh chết.

Tuy nhiên, virus dịch tả lợn châu Phi ít có khả năng lây lan qua việc vận chuyển động vật sống mà thông qua thịt lợn đã chế biến hoặc sản phẩm tươi.

“Virus này sống rất khỏe và có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối, thức ăn chăn nuôi”.

Dịch tả lợn châu Phi có bị lây sang người

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, khoa thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.

Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.

Trước tốc độ lây lan nhanh, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.