Dịch sởi tăng nhanh, kéo theo nhiều nỗi lo

ANTD.VN - Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2019, số ca mắc bệnh sởi đã tăng chóng mặt, nhiều bệnh viện tại các tỉnh luôn trong tình trạng quá tải… Đặc biệt, dịch sởi đã xuất hiện tại 43 tỉnh thành trên cả nước, và nhiều ca có những biến chứng nặng khiến nhiều người lo lắng.

Tốc độ lây nhiễm cao

Theo LĐO, hiện bệnh sởi đã được ghi nhận ở 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Bộ Y tế cũng cảnh báo, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn, có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc-xin sởi đầy đủ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ mắc sởi cao.

 

Dịch sởi lây lan nhanh, trong khi nhiều phụ huynh không biết con mình mắc bệnh từ đâu

Riêng tại Hà Nội, các chuyên gia cảnh báo, số lượng ca sởi tăng đột biến. Hà Nội ghi nhận 192 ca bệnh sởi từ đầu năm đến nay, trong khi hai tháng đầu năm ngoái chỉ có 22 ca. Sở Y tế Hà Nội thống kê trong vòng năm ngày qua, có 78 trường hợp bị sởi.

Tại TPHCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018, không ghi nhận ca nào. Hiện, 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi, các quận có nhiều ca bệnh là: Thủ Đức, 8, 12 và Bình Tân.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn trên đà tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2018, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 400 trường hợp mắc sởi, riêng tháng 12-2018 là 150 trường hợp. Hiện tại, BV Nhi đồng 1 đang điều trị nội trú cho 31 trẻ và có 4 trường hợp trẻ biến chứng nặng, phải thở máy.

Bệnh có thể kéo dài đến hết tháng 6-2019

Trước số ca nhập viện vì sởi tăng cao so với dịp trước Tết, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Số ca mắc sởi nhập viện tại bệnh viện không giảm so với trước Tết, trung bình 20 - 30 bệnh nhi mắc sởi nặng phải nhập viện.

Các trường hợp mắc sởi đều không tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều nên nhiều ca bị biến chứng nặng như: Viêm phổi, giảm thính lực, thậm chí giảm sức đề kháng, sau điều trị có thể bị chậm phát triển, còi xương.

 

Trẻ em đến khám trong tình trạng sốt cao, nổi mẩn đỏ khắp người

Điều đáng nói, các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine sởi cũng mắc sởi khá nhiều, nguyên nhân là do trẻ lớn hơn không được tiêm. Tỷ lệ không tiêm càng cao, miễn dịch cộng đồng thấp, tỷ lệ trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng mắc bệnh càng nhiều.

Dự kiến dịch bệnh sởi sẽ còn kéo dài đến tháng 6-2019. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 20 trẻ nằm điều trị trong khoa nhiễm - thần kinh của BV này, tuy nhiên, còn nhiều trẻ khác được điều trị ngoại trú, bởi bệnh sởi chỉ khi nào có biến chứng mới cần nhập viện. Do đó, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng liều vào lúc trẻ được 9, 12 và 18 tháng tuổi, tránh bỏ sót khiến trẻ có thể bị mắc bệnh.

Trẻ em, người lớn, bà bầu dắt díu nhau vào viện

Theo Zing, nếu trong tháng 8-2018, tại BV Nhiệt đới TP.HCM, chỉ có một ca mắc sởi, con số này đang tăng lên nhanh chóng lên 119 ca trong tháng 11, và tháng cuối năm 2018 là 226 ca nhập viện. Hiện tại, bệnh viện này đã tiếp nhận 65 ca điều trị nội trú, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Các bệnh viện quá tải vì số ca nhập viện do sởi tăng

Chị Lê Thị Tình (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang dỗ con nhỏ còn chưa dứt cơn quấy khóc, băn khoăn cho biết, người trong nhà và cả những người xung quanh gia đình chưa thấy ai mắc sởi, cháu lại bị mắc bệnh nên không biết có bị lây cho người nhà không, vì chị cũng không biết nguồn lây từ đâu.

 “Mới đầu thấy bé sốt cao đến 40 độ C, ho sổ mũi và phát ban, khi đi khám thì bác sĩ vẫn chưa kết luận sởi, 2 ngày sau lên Bệnh viện Nhiệt đới thì phát hiện cháu chuyển qua sởi, cháu mới 8 tháng tuổi nên chưa tiêm phòng sởi được”, chị Tình nói.

Không chỉ có phụ nữ và trẻ em, ngay cả nhiều nam giới cũng mắc bệnh sởi. Chị Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, quê Ninh Thuận) cho biết chồng chị là anh V.K đi làm về thấy nóng sốt cao, sau đó nổi ban đỏ, chị phải nhờ người thân chăm đứa con 5 tháng tuổi để vào TP.HCM vì anh V.K phải nhập viện để điều trị bệnh sởi biến chứng nặng.

Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng cũng nhập viện do bệnh sởi cùng con mình. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 3 gia đình lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị cùng lúc.

Xuất hiện bệnh nhân biến chứng viêm não

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khoa đang điều trị cho một bệnh nhân người lớn bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi. Đó là bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo lời kể của người nhà, ngày 8-2, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với sởi, nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết.

Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại TP.HCM - nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

Từ cuối năm 2018 tới nay, do thời tiết diễn biến bất thường, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính.

Ngoài việc tiêm chủng, Bộ Y tế cũng đang lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, nếu những nơi này không được kiểm soát hoặc có những khu cách ly riêng.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ...